Việt Nam đang thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm cho công nhân, phục hồi xuất khẩu, giảm tỷ lệ doanh nghiệp phá sản.
(TTXVN)- Ngày 14/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động COVID-19”, nhằm tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên trong các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm có cơ hội trình bày và trao đổi về những vấn đề nghiên cứu về kinh tế Việt Nam; đồng thời, cung cấp thông tin chia sẻ tri thức, trao đổi học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu liên ngành, đa ngành khoa học xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề chưa từng có với sự sụt giảm nghiêm trọng doanh thu; hàng loạt doanh nghiệp phá sản; một lượng lớn nhân lực mất việc làm.
Từ khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát đến nay, đặc biệt là khi các quốc gia mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều hướng đi mới nhưng vẫn còn đứng trước một số khó khăn, thách thức.
"Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đang dần tăng cường đầu tư công, đưa ra các gói kích cầu trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đang thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm cho công nhân, phục hồi xuất khẩu, giảm tỷ lệ doanh nghiệp phá sản", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường nêu rõ.Việt Nam đang thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm cho công nhân, phục hồi xuất khẩu, giảm tỷ lệ doanh nghiệp phá sản", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường nêu rõ.
Chia sẻ về chuyển đổi số - một trong những động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sau đại dịch COVID-19, ông Bùi Nhật Huy, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.
Việc chuyển đổi số phát triển giúp giảm đáng kể tổn thất doanh thu, tạo thêm việc làm cho người lao động trong các cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Trong dài hạn, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế số, đóng góp sản lượng lớn cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Theo ông Bùi Nhật Huy, để chuyển đổi số phát triển bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số; tạo cơ chế thiết thực hơn để hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tiến tới dữ liệu mở.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, hình thành và đề xuất cơ chế cho hệ thống nhân sự làm việc chuyên trách đối với công nghệ thông tin ở khu vực. Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia vào chuyển đổi số như một ưu tiên dài hạn…
Nghiên cứu về kinh nghiệm phục hồi kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc sau khủng hoảng COVID-19, Thạc sỹ Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định, muốn hướng tới nền kinh tế phục hồi, bên cạnh việc kế thừa và phát huy chọn lọc những giá trị từ các hiệp định thương mại tự do, hai nước này đã thực hiện những cải cách quan trọng trong chính sách tài khóa, chính sách kích cầu tiêu dùng hay nguyên tắc quản trị quốc gia xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương... Đa phần cách thức tiếp cận đều mang tính đa dạng, toàn diện, hiệu quả, dài hạn; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia.
Từ những nghiên cứu trên, Thạc sỹ Trần Minh Trí rút ra bài học tham khảo đối với Việt Nam trên chặng đường đổi mới và cải cách nền kinh tế sau đại dịch. Theo đó, Chính phủ cần thúc đẩy kích cầu thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá hàng hóa, dịch vụ; đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động mất việc kéo dài, lao động tự do, các hộ gia đình mất thu nhập…
Cùng với đó, thực hiện các giải pháp cụ thể như trợ cấp đầy đủ để duy trì cuộc sống; tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số và các dịch vụ công nghệ thông tin để đẩy mạnh phát triển kinh tế số; loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp…
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề nhằm phát triển kinh tế trong thời gian tới; đồng thời, đưa ra các đề xuất liên quan đến phát triển hướng đi mới cho ngành kinh tế như: Tìm hiểu, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam; đánh giá về chiến dịch bao phủ vaccine cho toàn dân và hiệu quả tích cực cho phục hồi kinh tế Việt Nam.
Các đại biểu phân tích, đánh giá cơ hội và khả năng phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19; đánh giá các chính sách, thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch; đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam sau COVID-19…/.