Chè Trung du búp tím - giống chè quý hiếm có chất lượng, hương thơm, vị đượm đặc trưng, giàu chất antoxian, tác dụng chống ô-xy hóa, nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe được trồng ở huyện Thanh Ba.
TTXVN - Bà Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển trà UT cho biết, Phú Thọ là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với 16.400ha. Trong đó, chè Trung du búp tím - giống chè quý hiếm có chất lượng, hương thơm, vị đượm đặc trưng, giàu chất antoxian, tác dụng chống ô-xy hóa, nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe được trồng ở huyện Thanh Ba.
Trước đây, việc canh tác chè tại địa phương vẫn theo phương thức thủ công, dẫn đến năng suất không cao bằng các giống chè mới khác. Bên cạnh đó, quy mô nhỏ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao. Nhiều diện tích chè búp tím bị chặt bỏ thay thế bằng giống chè lai hay các loại cây trồng khác có năng suất cao hơn. Giống chè búp tím từng làm nên đặc sản quý hiếm của vùng chè Phú Thọ đang dần bị mai một và có nguy cơ mất hẳn.
Nhận thấy cần giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống chè Trung du búp tím đặc sản và quý hiếm của quê hương, doanh nghiệp lên ý tưởng sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba.
Dự án “Duy trì và phát triển chè búp tím Thanh Ba” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển trà UT, có địa chỉ tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vừa lọt vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Đây là dự án duy nhất của tỉnh Phú Thọ lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi cùng 68 dự án khởi nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Để nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tím, Công ty thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng của sản phẩm. Hiện nay, 100% diện tích chè được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn một tôm 2 lá non. Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi.
Với 17 ha áp dụng quy trình sản xuất mới, sản lượng thu hoạch đến hết niên vụ 2023 đạt 36 tấn búp tươi, tăng cao hơn nhiều so với áp dụng phương thức canh tác cũ. Công ty đã ký hợp đồng phân phối với hai đối tác lớn, 10 đại lý trực tiếp. Dự kiến doanh số tối thiểu năm 2023 đạt 3 tỷ đồng.
Để mở rộng sản xuất, từ nay đến năm 2024, công ty trồng mới 2 ha chè búp tím tại đồi; vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ dân xung quanh trồng mới 3ha diện tích đồi chè; đồng thời đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo bà Lê Thị Hồng Phương, nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao, ít đối thủ cạnh tranh. Sự thành công của dự án đang mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào nền kinh tế địa phương, phát huy tài nguyên bản địa, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trên địa bàn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của dự án./.
- Từ khóa:
- cây chè búp tím
- Thanh Ba
- Phú Thọ