Quốc hội với Cử tri

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia… sẽ góp tiếng nói để Quốc hội, Chính phủ đưa ra giải pháp thích ứng phù hợp, giải quyết những "điểm nghẽn" của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Chỉ còn một ngày nữa, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Trao đổi với báo chí trước thềm Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định: Thông qua Diễn đàn, những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia… sẽ góp tiếng nói để Quốc hội, Chính phủ đưa ra giải pháp thích ứng phù hợp, giải quyết những "điểm nghẽn" của nền kinh tế cũng như tìm ra động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước.

*Phóng viên: Thưa ông, chủ đề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay?

*Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Kế thừa kết quả của Diễn đàn Kinh tế năm 2021, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, chủ đề của Diễn đàn năm nay được đưa ra căn cứ vào thực trạng của nền kinh tế thế giới, khu vực và đánh giá tình hình trong nước.

Trước hết, bối cảnh kinh tế thế giới hết sức khó khăn, phức tạp với xung đột địa chính trị, cạnh tranh giữa nước lớn, xung đột Nga - Ukraine. Các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Trong nước, bên cạnh những mặt tích cực như bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế (nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài… vẫn trong giới hạn được Quốc hội quyết nghị), lạm phát được kiểm soát nhưng cũng còn những khó khăn, vướng mắc trong nội tại của nền kinh tế đã tích tụ từ nhiều năm.

Đại hội XIII của Đảng đã nhận diện nhiều vấn đề về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực... Các “đại dự án” của ngành Công Thương đã từng bước được tháo gỡ nhưng còn nhiều dự án đang gặp khó khăn. Một số tổ chức tín dụng đưa vào “kiểm soát đặc biệt”. Kết cấu hạ tầng được quan tâm, đầu tư nhưng giải ngân đầu tư công khá chậm. Do đó, phải có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để tăng tốc giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, nhiều điểm nghẽn, nút thắt nội tại của nền kinh tế cần phải được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát hiện các dư địa, động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế xanh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ “Tương lai không đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ”. Vì thế, cần tranh thủ cơ hội này để phát triển.

Đó là mục đích của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 để phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước cũng như xu hướng trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực nội sinh; kiến tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững.

*Phóng viên: Theo dự báo, năm 2023, 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra sẽ hoàn thành. Năm chỉ tiêu còn lại đều phản ánh chất lượng tăng trưởng, như là năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP… Ông có bình luận gì về những chỉ tiêu mà chúng ta đang gặp khó khăn để phấn đấu hoàn thành?

*Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Bên cạnh mặt tích cực là hoàn thành 10/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, năm chỉ tiêu mà chúng ta khó và chưa đạt được liên quan đến chất lượng tăng trưởng, trong đó có vấn đề năng suất lao động.

Phiên thảo luận chuyên đề 2 của Diễn đàn năm nay có chủ đề: "Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”. Nội dung của phiên này là việc nâng cao năng suất lao động, hoàn thiện chính sách liên quan đến an sinh xã hội, ổn định việc làm, hỗ trợ người lao động…

Năng suất lao động thể hiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, do đứt gãy thị trường, cầu giảm, nhiều doanh nghiệp phải giãn, giảm việc làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng ta quy mô nhỏ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều điều đáng bàn… Đây là vấn đề cần quan tâm xử lý trong thời gian tới vì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tới 20% GDP và 74% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nhập vào, công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Câu chuyện liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cải thiện, mới tăng được năng suất lao động. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

Về công nghiệp chế biến, chế tạo, tôi cho rằng, đây là một trong những động lực tăng trưởng trong thời gian qua, cùng với đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Qua nắm tình hình, công nghiệp chế biến chế tạo, mức tăng quý I giảm tới 0,47% và sáu tháng đầu năm có tăng nhưng tăng chậm, ở mức 0,44%; chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là vấn đề thể hiện chất lượng tăng trưởng. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải quan tâm để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thể chế, chính sách, thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư để phục hồi tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian tới.

May hàng xuất khẩu tại Công ty Maxport Thái Bình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

*Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì từ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội lần này để tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới?

*Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Từ kết quả Diễn đàn Kinh tế 2021, trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, qua ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chuyên gia trong nước, quốc tế, chúng ta đã đưa ra gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, phục hồi cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Cùng với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, dịch bệnh đã được kiểm soát và kinh tế đất nước năm 2022 đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt 8,02%. Cùng với đó, chúng ta đã khởi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, tạo động lực, niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp.

Tiếp đó, năm 2022, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội đã thảo luận tập trung với chủ đề ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính tự lực, tự cường, tính chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Nhờ những chính sách rất quan trọng này, trong quá trình điều hành, kinh tế vĩ mô đã giữ được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế như: nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn được Quốc hội quyết nghị. Vị thế quốc tế của Việt Nam được cải thiện. Rõ ràng, những sáng kiến, kinh nghiệm thu thập được qua Diễn đàn đã được đưa vào Nghị quyết số 68/2022/QH15, các nghị quyết khác của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Như tôi đã đề cập, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều thách thức, khó khăn. Năm 2021, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,56%; năm 2022 là 8,02% và 6 tháng đầu năm 2023 là 3,72%. Áp lực tăng trưởng cho cả năm 2023 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 là rất lớn, cần có các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi yêu cầu là phải tăng trưởng phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức. Chất lượng đầu tư cần được cải thiện. Xuất khẩu 8 tháng năm 2023 giảm 10%, nhập khẩu giảm hơn 13%... Chỉ số bán lẻ và doanh thu dịch vụ những tháng đầu năm có tăng, nhưng động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn.

Với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", hy vọng rằng, các đại biểu trong và ngoài nước, chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất thêm sáng kiến cụ thể. Những ý kiến phản hồi từ chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, của người dân… sẽ góp tiếng nói để Quốc hội, Chính phủ đề ra giải pháp thích ứng phù hợp, giải quyết những "điểm nghẽn" của nền kinh tế cũng như tìm ra động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.

PV

Xem thêm