Quốc hội với Cử tri

Giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh

Hạ dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tăng dần mức tiền hưởng phù hợp với khả năng của ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 26, trưa 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước đó, dự án Luật đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25, diễn ra vào tháng 8 vừa qua.

Tại phiên họp lần này, trong số các nội dung cốt lõi sửa đổi, hai nội dung là quy định trợ cấp hưu trí xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn còn có ý kiến băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi. Báo cáo của Ủy ban Xã hội đã đề cập hai loại ý kiến khác nhau về nội dung này nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào.

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc bổ sung nội dung này vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết bổ sung mà có thể sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về bảo hiểm xã hội tương tự như quy định chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, nhất là các tác động liên quan đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, có ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội cho rằng, hiện nay, trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi còn rất thấp và có khoảng cách khá xa so với mức chuẩn nghèo về thu nhập (kể cả ở nông thôn và thành thị). Chính vì vậy, khi chuyển nhóm đối tượng rất đặc thù này với mức hưởng rất thấp sang phạm vi của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) liệu có hợp lý? Hơn nữa, đây là một loại trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có thu nhập, không xuất phát từ nguyên tắc đóng - hưởng như đối tượng hưu trí. Ban soạn thảo chưa nêu cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ để quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật tuổi hưởng trợ cấp là 75 tuổi.

Về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Ủy ban có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định và cho rằng, việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất; cho rằng, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Chính phủ đã rất khẩn trương tiếp thu chỉnh lý dự án Luật, cơ bản nghiêm túc thực hiện những ý kiến của Thường vụ Quốc hội. Ông đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để Quốc hội họp, nhất là báo cáo đánh giá tác động, nêu rõ hơn về nguồn lực thực hiện các chính sách.

Liên quan đến quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau này, Luật Người cao tuổi sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề khác về người cao tuổi, còn nội dung trợ cấp với người cao tuổi sẽ trở thành một cấu phần trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Do đó, phải nghiên cứu kỹ các điều khoản cần sửa đổi để tương thích giữa hai luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trợ cấp hưu trí xã hội là từ nguồn thuế chứ không phải theo nguyên tắc đóng - hưởng, không thể quay lại tư duy trợ cấp đóng - hưởng… Vấn đề này liên quan đến quá trình thực hiện nghị quyết của Trung ương, pháp luật phải có điều chỉnh. Về chính sách không có gì phải bàn.

Trước mắt, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, tương lai sẽ phải hạ dần xuống bằng với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức tiền hưởng sẽ tăng dần lên, phù hợp với khả năng của ngân sách.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật lần này. Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm. Rút hay không là quyền của người lao động, phải đảm bảo quyền của họ.

Cho biết đây là luật khó, còn thảo luận nhiều lần, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật, các văn bản liên quan. Ủy ban Xã hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6./.

Vân Phương

Tin liên quan

Xem thêm