Xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lên là thực tế đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề an sinh xã hội.
TTXVN - Sáng 17/8, tại Phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một trong những nội dung được đại biểu quan tâm.
Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đưa ra hai phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất, đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2 thứ hai, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).
Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.
Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, cũng như tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung theo dự thảo Luật. Trong đó, đặc biệt chú ý và đặt trọng tâm vào việc thông tin tuyên truyền, giải thích đầy đủ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh và điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý cho các trường hợp này. Theo Điều 71 của dự thảo Luật, một trong các điều kiện để hưởng chế độ hưu trí là đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên, tuy nhiên tại điểm đ khoản Điều 77 khi đưa ra 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần đều đang quy định điều kiện người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Điều này có thể dẫn tới trường hợp người đã đủ tuổi nghỉ hưu, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì có “quyền” lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc hưởng chế độ hưu trí.
Để bảo đảm tính thống nhất về quan điểm chỉ đạo, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Cho rằng, cần nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để đưa ra 1 phương án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, với những người tham gia sau khi Luật này có hiệu lực thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Còn với người tham gia trước khi Luật có hiệu lực thì vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được rút một phần, phần còn lại được tích lũy, lưu lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội, như vậy, người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa có thể quay trở lại hệ thống và tham gia đóng, để mạng lưới an sinh không bị “thủng”.
Riêng quy định về người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận bảo hiểm xã hội một lần, tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ hơn nội dung này.
“Cần làm rõ thời gian nghỉ việc và sau khi mất việc, nếu đủ điều kiện thì người lao động cũng đã được hưởng trợ cấp, bảo hiểm thất nghiệp, và trong thời gian được hưởng trợ cấp, bảo hiểm thất nghiệp thì vẫn có thẻ bảo hiểm y tế, luật đã có quy định”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, yêu cầu của Luật hiện hành và Luật sửa đổi là phải hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần. Nếu áp dụng quy định này, Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động bảo lưu thì lấy từ quỹ thành phần nào cần phải làm rõ. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm mức tiền đóng bảo hiểm y tế căn cứ trên mức lương trước khi nghỉ việc của người lao động hay lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng và mức đóng bảo hiểm y tế như thế nào?
“Quy định này có làm giảm động lực tiếp tục tham gia thị trường lao động để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không, có làm giảm động lực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động không”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, hưởng bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lên trong thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề an sinh xã hội. Ông đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm./.
- Từ khóa:
- Bảo hiểm xã hội một lần
- Quốc hội
- Bảo lưu