Quốc hội với Cử tri

Hậu Giang lấy ý kiến đóng góp hai dự án luật

Hậu Giang

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam phát biểu. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Sáng 21/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đường bộ và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Đóng góp cho dự án Luật Đường bộ, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo và đề xuất sửa đổi một số từ ngữ để đảm bảo tính chính xác, phù hợp; một số từ ngữ chuyên ngành cần được bổ sung, giải thích cụ thể vào phần giải thích từ ngữ; bổ sung loại hình kinh doanh vận tải bằng xe thô sơ vào quy định về hoạt động vận tải đường bộ; quy định về quy chuẩn kỹ thuật tối thiểu cho đường cao tốc. Bên cạnh đó, Luật cần bổ sung quy định giao UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ địa phương; điều chỉnh quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị theo hướng mở, chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu, không quy định tỷ lệ tối đa.

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Đóng góp cho dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để không chồng chéo với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện do Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh các dịch vụ không phải viễn thông như dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông, dịch vụ hội thoại, tin nhắn trên nền tảng internet; bổ sung nội dung trình diễn công nghệ mới vào trường hợp được miễn giấy phép viễn thông để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người cung cấp tên miền; quy định quyền, trách nhiệm của đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông, chủ sở hữu thuê bao; quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp về nội dung quản lý nhà nước về viễn thông để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông và thuận lợi trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu; cho rằng, qua các ý kiến cho thấy đại biểu nghiên cứu rất kỹ lưỡng hai dự án luật. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp hoàn thiện để các dự án luật phù hợp thực tế./.

Hồng Thái

Tin liên quan

Xem thêm