Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Gian sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của cử tri để tổng hợp đóng góp vào quá trình cho ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm việc xây dựng Luật sát với thực tiễn, có tính khả thi cao.
TTXVN - Ngày 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm một lần của công nhân, người lao động" trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tham dự hội nghị có 80 cử tri là cán bộ Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và đoàn viên đến từ một số công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Kiên Giang.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện đẩy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi gặp những rủi ro trong cuộc sống.
Đến nay qua hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, thực hiện hiệu quả các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người tham gia, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tình trạng người lao động đề nghị thanh toán bảo hiểm xã hội một lần tăng; tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương...
Do đó, việc sửa đổi Luật là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Góp ý về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cử tri Kiên Giang đề nghị Ban Soạn thảo sửa đổi theo hướng: Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác,…) nhằm góp phần tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu.
Cùng với đó, cần bổ sung và hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở người lao động; hỗ trợ người lao động mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới, có nguồn thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt trong thời gian mất việc. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, quan tâm đến công tác tuyên truyền trong nhân dân về tham gia đóng và rút bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề cập đến việc bổ sung thêm quyền lợi ngắn hạn như: chế độ ốm đau đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm thu hút người dân tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo ông Lê Chí Dững, Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Kiên Hùng (Kiên Giang), qua các lần đối thoại, tìm hiểu trực tiếp với người lao động, đa số đều có chung nguyện vọng mong muốn Nhà nước xem xét giảm thời gian rút bảo hiểm xã hội một lần so với quy định sau 12 tháng thất nghiệp mới được rút. Bởi, người lao động có thể tìm việc khác sớm hơn so với 12 tháng, họ không thể đợi quá lâu và còn phải tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty mới.
"Tại công ty, hầu hết các lao động nữ đều cho biết, môi trường làm việc công ty thủy sản trong phòng lạnh, tiếp xúc nhiều với nước nên họ không thể gắn bó làm đến 50 tuổi, hay 55 tuổi. Vậy nên, mọi người đều có nguyện vọng làm khoảng 40 tuổi sẽ nghỉ và rút bảo hiểm xã hội một lần để làm vốn mua bán, kinh doanh nhỏ để đảm bảo sức khỏe", ông Lê Chí Dững chia sẻ.
Cử tri Trần Thùy Dương, Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Phú Cường Kiên Giang đề nghị, bên cạnh những quy định đối với việc giải quyết rút bảo hiểm xã hội theo 2 lần, cũng cần có những quy định chi tiết, rõ ràng đối với quyền lợi của người lao động khi họ cương quyết rút bảo hiểm xã hội một lần. Cùng với đó, Quốc hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội nên xem xét mở rộng những quyền lợi khác dành cho người lao động khi họ tham gia bảo hiểm xã hội, thay vì chỉ được hưởng thêm bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất như hiện nay.
Thay mặt Đoàn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Đoàn sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của cử tri để tổng hợp đóng góp vào quá trình cho ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm việc xây dựng Luật sát với thực tiễn, có tính khả thi cao. Bà Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, đóng góp dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong nhân dân để mọi người tích cực tham gia, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đến đời sống nhân dân./.
- Từ khóa:
- Cử tri
- Kiên Giang
- bảo hiểm xã hội một lần