Dự án Luật có nhiều điểm đáng chú ý như: Độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ hạ xuống 75 thay vì 80 tuổi như quy định hiện hành; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm...
TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Dự án Luật có nhiều điểm đáng chú ý như: Độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ hạ xuống 75 thay vì 80 tuổi như quy định hiện hành; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không rút bảo hiểm một lần sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất hai phương án. Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu sẽ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp nên Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với hai phương án nêu trên.
Trong phiên họp chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này./.