An toàn giao thông

Bình Thuận: Kêu gọi người dân cung cấp chứng cứ về vi phạm an toàn giao thông

Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. (Ảnh minh họa: Đậu Tất Thành/TTXVN)

TTXVN - Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi huy động nhân dân tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bình Thuận hướng đến việc thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành về pháp luật giao thông của người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân.

Nội dung phản ánh các hành vi vi phạm gồm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp của đường cao tốc…

Phương pháp ghi nhận thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: Nội dung hành vi vi phạm; quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm (sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị thông minh của cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại, camera hành trình…)…

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, “cộng tác viên” trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tỉnh yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức… gương mẫu tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên... vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, nghiêm cấm can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đối với công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng và cơ quan chức năng.

Trong 9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Tổ kiểm tra liên ngành, Công an các địa phương) lập hơn 36.168 biên bản vi phạm, xử phạt hơn 37.412 trường hợp, tổng số tiền xử phạt gần 88 tỷ đồng, tước 8.863 giấy phép lái xe, tạm giữ 10.166 phương tiện vi phạm các loại. Nhiều trường hợp bị xử phạt qua hình ảnh hành vi vi phạm an toàn giao thông do người dân cung cấp như chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy xe lạng lách.../.

Nguyễn Thanh

Tin liên quan

Xem thêm