Phát huy vai trò người dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Mỗi người dân là một tuyên truyền viên, một cộng tác viên phát huy dân chủ trong bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng.
TTXVN - Bắc Ninh đã huy động toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông".
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, tăng cường xử lý vi phạm thông qua hình thức “phạt nguội” gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bắc Ninh phấn đấu mỗi người dân là một tuyên truyền viên, một cộng tác viên của lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy dân chủ trong bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, chủ động phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm, bảo đảm chính xác, khách quan. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần ghi nhận đầy đủ thông tin về nội dung hành vi, video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm; thời gian phát hiện; tuyến đường xảy ra vi phạm; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan. Sau đó, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với lực lượng Công an tỉnh để tiếp nhận, xử lý tin và cung cấp thông tin về tên, tuổi, số Căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp để phục vụ công tác thông tin, phản hồi (nếu cần thiết).
Công an tỉnh là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai. Tỉnh sẽ đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào; đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát khu vực, Công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; vận động người dân tích cực tham gia, chủ động phát hiện, phản ánh 24/24 giờ về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Thông tin phản ánh của nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác; bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Địa phương kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực./.