Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã giúp thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
TTXVN - Tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả việc hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đây được xem là bước đi cần thiết để định danh sản phẩm địa phương, mở đường cho xuất khẩu.
Thay đổi nhận thức của người dân
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho biết, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem như “giấy thông hành” cho xuất khẩu nông sản. Vì vậy, từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với UBND các huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm đáp ứng các điều kiện cấp mã số vùng trồng; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Lạng Sơn hiện đã có 178 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số với diện tích gần 900 ha; trong đó, 140 mã số vùng trồng thạch đen với trên 660 ha; 37 mã số vùng trồng ớt với hơn 241 ha; một mã số vùng trồng bưởi, vùng trồng na. Tỉnh đã có 13 cơ sở đóng gói thạch đen được cấp mã số.
Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã giúp thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo cơ quan chuyên môn địa phương, quá trình theo dõi, giám sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất mới chỉ quan tâm đến công tác cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mà chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Người dân một số nơi chưa có ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp.
Nhằm đảm bảo các vùng trồng sau khi đã được cấp mã số duy trì, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện thực hiện giám sát định kỳ, lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu (thạch đen, ớt).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mỗi vụ một lần. Việc làm này được thực hiện trước thời điểm thu hoạch, tập trung vào các nội dung như: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thông tin về sự thay đổi của mã số vùng trồng. Các vùng trồng không đáp ứng các tiêu chí theo quy định sẽ bị thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, để xuất khẩu nông sản đạt yêu cầu, không bị vi phạm các quy định của nước nhập khẩu, các địa phương có vùng trồng, chế biến xuất khẩu tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với hàng hóa xuất khẩu.
Cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, giám sát chặt các điều kiện, tiêu chuẩn đối với những vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đặc biệt, xử lý nghiêm, thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định về an toàn, kiểm dịch, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...
Các doanh nghiệp, thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan về tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản, tình hình của các cửa khẩu để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn; đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói...
Giám sát chặt tại cửa khẩu
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho hay, thực tế cho thấy, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này. Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài.
Chính vì vậy, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, trong đó có các Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu trực thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ và đều được bố trí địa điểm thuận lợi để thực hiện công tác kiểm tra, giám định, kiểm dịch thực vật…
Khi có các lô hàng bị phía Trung Quốc trả về, nguyên nhân có thể do không có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc hoặc không đạt tiêu chuẩn yêu cầu xuất khẩu, hay các lô hàng bị Trung Quốc thông báo vi phạm trả về, Trung tâm Quản lý cửa khẩu là đầu mối thông báo kịp thời đến các lực lượng chức năng cửa khẩu để phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp cách thức xử lý../.
- Từ khóa:
- cấp mã số vùng trồng
- Lạng Sơn
- na Chi Lăng