Hội nhập

Xúc tiến quảng bá điểm đến Quảng Ninh – Hokkaido

Quảng Ninh

Quảng Ninh luôn xác định, kỳ vọng nhiều cơ hội hợp tác với tỉnh Hokkaido, nhất là về hợp tác, phát triển du lịch.

Các đại biểu tham gia tọa đàm về nông nghiệp tăng trưởng xanh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

TTXVN - Chiều 17/11, tại Cung quy hoạch và triển lãm tỉnh Quảng Ninh diễn ra Hội thảo chuyên đề giao lưu văn hóa du lịch và phát triển nguồn nhân lực giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản). Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tại Lễ hội Hokkaido được tổ chức tại Hạ Long năm 2023.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, địa phương luôn xác định Nhật Bản là một trong những địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược toàn diện để thu hút đầu tư. Trong lĩnh vực du lịch, Nhật Bản chiếm khoảng 4% tổng số khách quốc tế lưu trú tại Quảng Ninh trong thời kỳ cao điểm trước đại dịch COVID-19. Năm 2023, thị trường khách du lịch Nhật Bản đến Quảng Ninh đạt khoảng 12.300 lượt khách, chiếm khoảng 1,5% thị trường khách quốc tế đến Quảng Ninh.

Kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hokkaido, bà Nguyễn Thị Hạnh mong muốn trong thời gian tới 2 tỉnh tăng cường đẩy mạnh hợp tác xúc tiến quảng bá điểm đến lẫn nhau thông qua các phương tiện truyền thông đa phương tiện, trao đổi đoàn, nhất là các đoàn famtrip, tổ chức roadshow quảng bá du lịch, đặc biệt nghiên cứu phát triển đường bay qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và sân bay Chitose mới. Đồng thời hy vọng phía chính quyền tỉnh Hokkaido sẽ sớm hỗ trợ, cử giảng viên, tình nguyện viên Nhật Bản sang dạy học tại Đại học Hạ Long, tiến tới xây dựng Khoa Nhật Bản học tại Đại học Hạ Long.

Tại Hội thảo các ý kiến phát biểu đã tập trung chính vào thực trạng và giải pháp nâng cao khả năng hợp tác, phát triển du lịch, trao đổi nguồn nhân lực giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), mở ra cơ hội hợp tác về du lịch, trao đổi nguồn nhân lực giữa hai địa phương và góp vào thành công chung của Lễ hội Hokkaido tại Hạ long năm 2023.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam luôn nằm trong top 3 thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích trong khu vực đối với khách du lịch Nhật Bản. Năm 2019, Việt Nam đón gần một triệu lượt khách du lịch Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản dần trở thành điểm đến rất được yêu thích của khách du lịch Việt Nam.

Ông Vinh đề xuất hai tỉnh tăng cường công tác liên kết, giao lưu, xúc tiến du lịch; hợp tác phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quản lý điểm đến. Đồng thời, tăng cường công tác liên kết, giao lưu, xúc tiến du lịch; duy trì tổ chức sự kiện, Hội thảo, hoạt động thường niên để tạo diễn đàn trao đổi hợp tác phát triển giữa ngành du lịch hai tỉnh như: Cùng tham gia Chương trình Hội nghị Thường trực Diễn đàn du lịch Đông Bắc Á (EATOP), Lễ hội Hoa Anh đào - Mai Vàng...; tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip cho các công ty lữ hành, cơ quan truyền thông của 2 tỉnh viết bài quảng bá về du lịch của điểm đến; tổ chức các chương trình Road show; tổ chức đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch.

Theo các đại biểu để gắn kết hai tỉnh, cần tăng cường các hoạt động kết nối, trong đó việc thành lập Trung tâm ngôn ngữ Việt - Nhật tại Đại học Hạ Long đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản giúp hai địa phương có nhiều cơ hội trao đổi tình nguyện viên, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, hỗ trợ giảng dậy tiếng Nhật cho sinh viên tỉnh Quảng Ninh nhất là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cho hai địa phương.

Bà Nagasawa Kaoru, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức công ích pháp nhân Toa Soken cho biết, việc thành lập trường liên quan tới quản lý khách sạn, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý và mong sẽ đón nhiều bạn trẻ ở Quảng Ninh sang học tập và làm việc. Phía đơn vị cũng lên kế hoạch hỗ trợ cho các đơn vị hợp tác nhất là những người trẻ của Quảng Ninh sang Hokkaido học tập.

Tại hội thảo bên cạnh các chuyên gia, còn có các nghiên cứu sinh, những người Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Nhật Bản và ngược lại đã chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm thú vị về địa phương nơi họ đã đến, qua đó mang đến cho Hội thảo những cái nhìn sống động, thực tế hơn về mảnh đất, văn hóa, con người của Nhật Bản và Việt Nam./.

PV

Xem thêm