Việc sử dụng công nghệ số để làm báo, chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí, nhằm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) là rất cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đi đến hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí và điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp hơn trong thời đại hiện nay.
Công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng nhất tới lĩnh vực báo chí. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo, chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí, nhằm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, lan tỏa các thông tin báo chí và định hướng dư luận trên không gian mạng, góp phần giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định Phạm Ngọc Thái cho rằng, các cơ quan báo chí phải có cơ chế kiểm soát về nội dung đăng tải trên không gian mạng; đồng thời đầu tư công cụ số để thực hiện chức năng giám sát báo chí. Đối với các cơ quan quản lý, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý nếu báo chí để lọt tin giả, tin sai sự thật gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận; cần tăng chế tài xử phạt đối với báo chí vi phạm quy định trên nền tảng số tạo tính răn đe. Các cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về địa bàn đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí để tránh trường hợp 1 phóng viên làm hồ sơ đăng ký thường trú tại nhiều địa phương, gây khó trong việc quản lý hoạt động tác nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Thái kiến nghị, tại khoản 12, Điều 2 trong khái niệm về Bản tin của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban soạn thảo cần bỏ cụm từ “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng” để tránh trùng lặp với khái niệm về Tạp chí Khoa học nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có căn cứ cụ thể, tránh gặp khó khăn trong việc xác định loại hình xuất bản.
Ngoài ra, tại Điều 3, cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (đang được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 4 của Luật Báo chí năm 2016). Bởi vì, việc bỏ quy định này sẽ làm suy giảm chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí.
Ông Phạm Ngọc Thái cũng kiến nghị, Ban Soạn thảo nên xem xét, chỉnh sửa lại quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật tiếp công dân; cần nghiên cứu, chỉnh sửa quy định của khoản 10, 11 Điều 7 để rõ hơn về các hình thức của hoạt động báo chí; cần bổ sung thêm thông tin “thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền” đối với quy định “Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép theo khoản 1 Điều này phải chấm dứt hoạt động” tại khoản 2 Điều 18…/.