Hội nghị Chính phủ với địa phương: Người dân hài lòng hơn với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024, đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
Sáng 6/4, Chính phủ tổ chức Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội tháng 3 và quý I/2025; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 3 và quý I/2025; báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và báo cáo Chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đánh giá, trong tháng 3 và quý I/2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường, Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã lãnh đạo toàn diện, kịp thời; Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và cả hệ thống chính trị vào cuộc; cùng với sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ứng phó linh hoạt, kịp thời với những vấn đề cấp bách phát sinh. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025 đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, tốt hơn tháng trước và tốt hơn cùng kỳ năm trước; khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay và tiếp tục trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,13% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 36,7% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6%, 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9,53% kế hoạch; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,3%, cao hơn 2,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian tới.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng, thực hiện hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, rà soát, sửa đổi Hiến pháp, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương được thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội. Quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thiết thực…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, thời gian tới, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023; 5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi. Kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Cùng với đó, Chỉ số PAR Index năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Trong đó, có 53/63 địa phương có Chỉ số PAR Index tăng so với năm 2023. Tuy nhiên vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể.
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị./.