Đây là hoạt động thể hiện lòng thành kính, tri ân người thầy giáo có công lan tỏa sự học, đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Tại Hà Nội và Tây Ninh đã diễn ra lễ khai bút và họp mặt truyền thống nhằm đề cao sự học, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng.
* Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu Xuân Ất Tỵ
Ngày 4/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức dâng hương tưởng niệm Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An và làm lễ khai bút đầu Xuân Ất Tỵ. Đây là hoạt động thường niên từ năm 2014, thể hiện lòng thành kính, tri ân người thầy giáo có công lan tỏa sự học, đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, khai bút đầu Xuân là hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng, khởi đầu năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc. Những nét chữ đầu tiên của năm mới luôn hướng con người đến với cái đẹp, cái thiện, gửi gắm hy vọng, mong muốn về hạnh phúc, thành đạt, sự may mắn và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực. Qua đó, giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích quan trọng và toàn diện. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển; toàn huyện có 69/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, bằng 94,5% (là huyện có tỷ lệ trường chuẩn trong tốp đầu của thành phố). Kết thúc năm học 2023 - 2024, tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên đạt 95,32%, tăng 11,32% so với năm học trước. Toàn huyện có 86 học sinh giỏi cấp thành phố, đặc biệt có một học sinh đoạt Huy chương Bạc quốc tế Olympic môn Toán. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện được thành phố đánh giá hoàn thành xuất sắc 8/13 tiêu chí, hoàn thành tốt 5/13 tiêu chí thi đua; là huyện đầu tiên của thành phố ứng dụng Trung tâm giáo dục thông minh.
Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố, huyện Thanh Trì và thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã thực hiện nghi lễ khai bút viết 7 chữ: Tâm - An - Trí - Sáng - Học - Thành - Vinh và dâng chữ vào đình thờ. Đông đảo người dân cùng thành kính xin chữ đầu năm với những ước nguyện cho bản thân, gia đình, dòng tộc.
Thầy giáo - Danh nhân Chu Văn An sinh ra ở làng Quang Liệt (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) là người tiêu biểu nhất và cũng là biểu tượng sáng ngời trong lịch sử giáo dục của Việt Nam...
* 79 năm Hội thề Rừng Rong: Nêu cao chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng
Ngày 4/2, tại Khu di tích lịch sử Rừng Rong (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), Ban Liên lạc truyền thống Rừng Rong phối hợp với Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Trảng Bàng tổ chức họp mặt truyền thống 79 năm Hội thề Rừng Rong. Các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có các thanh niên của Hội thề Rừng Rong.
Vào đêm Giao thừa Tết Ất Dậu 1946, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, phong trào đồng khởi kháng chiến chống thực dân Pháp đã rộ lên khắp cả nước. Với khí thế đó, tại khu lõm Rừng Rong, 27 thanh niên của huyện Trảng Bàng đã cắt máu tuyên thề quyết tử chống giặc trước bàn thờ Tổ quốc.
Bí thư Thị ủy Trảng Bàng Đoàn Minh Long cho biết, Hội Thề Rừng Rong là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, từ lời thề thiêng liên đó, gần 30.000 thanh niên Tây Ninh đã xung phong lên đường ra trận. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, ác liệt, đầy gian khổ, nhiều chiến sỹ Hội thề Rừng Rong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, nêu cao khí phách, lòng quả cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 79 năm trôi qua, khí phách hào hùng của Hội thề Rừng Rong vẫn sống mãi với thời gian và là trang sử chói lọi của Đảng bộ địa phương. Hình ảnh thanh niên yêu nước Hội thề Rừng Rong là tấm gương sáng soi đường cho các thế hệ thanh niên Trảng Bàng tiếp bước lên đường đánh giặc.
Tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Trảng Bàng luôn đoàn kết, chung sức nỗ lực phấn đấu, vượt qua thách thức, chủ động, sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ quê hương. Kinh tế địa phương tăng trưởng khá cao. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt Nghị quyết năm 2024 đề ra; bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi; cơ bản hoàn thành xây dựng thị xã nông thôn mới, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và trong nội địa được giữ vững, ổn định...
Năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trảng Bàng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng thị xã ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, bền vững.../.