Khai bút đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng, là sự khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam.
TTXVN - Sáng 16/2 (mùng 7 Tết), tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và khai bút Xuân Giáp Thìn. Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), các sở, ban, ngành và đông đảo phụ huynh, học sinh của Thủ đô đã tới dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, khai bút đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng, là sự khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Quy mô giáo dục được mở rộng, toàn huyện hiện có 68/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, là huyện có tỷ lệ trường chuẩn trong nhóm đầu của thành phố. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.
Kết thúc năm học 2022-2023, huyện có 14 giáo viên đoạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 77 học sinh giỏi cấp thành phố, xếp thứ 10/30 quận huyện, thị xã về chất lượng thi học sinh giỏi; có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc Cuộc thi Toán quốc tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện được đánh giá hoàn thành xuất sắc 9/13 tiêu chí thi đua của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, là đơn vị duy nhất khối huyện được thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Tại buổi lễ, các lãnh đạo thành phố, huyện Thanh Trì đã dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và thực hiện nghi thức khai bút Xuân Giáp Thìn với các chữ: “Tâm - Phúc - Đức - Trí - Học - Thành - Vinh”. Đông đảo người dân tham dự buổi lễ cũng đã xin các chữ từ các thầy đồ đến từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Ban Tổ chức mời về. Những nét bút đầu tiên của năm mới như sự khởi đầu tốt đẹp về sự học hành, đỗ đạt, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Danh nhân Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Danh nhân, Tiên triết Chu Văn An là “Bậc Nho học tiêu biểu nhất của nước Việt ta”, “Bậc thánh cao nhất”, “Ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam”; người được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời).
Tương truyền, danh nhân Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Tư tưởng lớn của danh nhân, nhà giáo Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Với quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhà giáo Chu Văn An đã truyền dạy Nho học một cách trọn vẹn vào nước ta, mở ra đường học kỷ cương, đạo lý, quyền uy không sợ - danh lợi không màng, nêu cao nghĩa khí của đạo học.
Nhà giáo Chu Văn An cũng là người thầy trong tâm thức của người dân Thanh Trì nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Tấm gương danh nhân Chu Văn An - Người thầy của muôn đời mãi mãi in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam, như lời khẳng định của nhà thơ Cao Bá Quát: "Trời đất soi chung vầng hào khí/Nước non còn mãi nếp cao phong"./.