Đây là hoạt động được thành phố Chí Linh thực hiện thường niên vào đầu Xuân năm mới tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, trọng trí tuệ và tri ân Vạn thế sư biểu Chu Văn An.
TTXVN - Ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng), Lễ khai bút Xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thành phố Chí Linh, Hải Dương) với sự tham dự của đông đảo nhân dân, du khách và đại biểu các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn và đoàn đại biểu huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội, quê hương thầy giáo Chu Văn An).
Đây là hoạt động được thành phố Chí Linh thực hiện thường niên vào đầu Xuân năm mới tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, trọng trí tuệ và tri ân Vạn thế sư biểu Chu Văn An.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng đã ôn lại thân thế sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An.
Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) là người làng Quang Liệt (huyện Thanh Đàm, nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Với tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, ngoài 30 tuổi, thầy được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy học cho thái tử và con em các quan. Đến đời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, thầy khuyên can nhà vua vững con thuyền an dân, dâng “thất trảm sớ” xin trừng trị bảy tên gian thần nhưng bất thành. Thầy cáo quan về trí sĩ tại núi Phượng Hoàng (thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh ngày nay) nơi có thông xanh, trúc biếc, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, viết sách, làm thơ. Tháng 11 năm Canh Tuất 1370, trái tim Vạn thế sư biểu Chu Văn An đã ngừng đập giữa mây ngàn, gió núi Phượng Hoàng (Chí Linh).
Thầy giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, làm việc và cống hiến cho xã hội. Quan điểm giáo dục của thầy có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.
Tưởng nhớ công lao thầy, Vua Trần Nghệ Tông đã truy tặng tước Công (tước phẩm cao nhất), thờ phụng ở Văn Miếu, được hậu thế xây dựng đền miếu, tạc tượng, lập bia, đời đời ngưỡng mộ.
Theo Bí thư Thành ủy Chí Linh, Lễ khai bút đầu Xuân là dịp để nhân dân cả nước nói chung, nhân dân thành phố Chí Linh nói riêng thêm tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc; tôn vinh, tri ân Vạn thế sư biểu Chu Văn An; đồng thời góp phần bồi đắp, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể, mỹ tục lâu đời của dân tộc ta.
Mở đầu Lễ khai bút, Ban Tổ chức cử hành nghi lễ dâng hương tri ân Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Sau nghi thức nổi trống khai bút do Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng thực hiện, Lễ khai bút đầu Xuân bắt đầu với phần khai bút thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Nhà thư pháp Nguyễn Đình Kế, Câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm Hải Dương đã trình diễn khai bút chữ Hán với 4 chữ: Phúc - An - Thịnh - Phát.
Các đại biểu lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) khai bút chữ Quốc ngữ với 9 chữ: Thuận - Thiên - Địa - Hợp - Nhân - Tâm - Vạn - Sự - Thành (thuận với trời đất, hợp với lòng người, muôn việc đều thành công). Màu mực son đỏ như nét Xuân trên gấm hoa gửi gắm ước mong về một năm mới may mắn.
Kết thúc Lễ khai bút là nghi thức dâng chữ trình thầy. Những chữ Hán và chữ Quốc ngữ được dâng vào nội tự của di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An.
Tại đây, các học sinh, sinh viên về dự lễ năm nay sẽ đồng loạt khai bút trên phôi chữ Học với nội dung: Hiền tài là nguyên khí Quốc gia.
Dịp này, lãnh đạo thành phố Chí Linh đã khen thưởng 20 học sinh của thành phố và huyện Thanh Trì có thành tích xuất sắc trong kỳ tuyển sinh 2023-2024 (mỗi suất 5 triệu đồng trích từ Quỹ Khuyến học thành phố). Thành phố Chí Linh cũng đón nhận trên 1 tỷ đồng của các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quỹ Khuyến học./.