Với 25 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có phong tục, tập quán và lễ hội riêng biệt, khó trộn lẫn, thu hút du khách bằng những lễ hội Xuân đậm đà bản sắc văn hóa.
TTXVN - Dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Lào Cai tổ chức khoảng 32 lễ hội nghi lễ và lễ hội dân gian liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian. Việc duy trì và tổ chức lễ hội đầu Xuân không chỉ thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn.
* Quảng bá văn hóa
Bất kể là người lần đầu ghé thăm hay đã quá quen với núi rừng, nương, bản, mùa Xuân Tây Bắc vẫn mang đến sức hấp dẫn đặc biệt, khó lòng cưỡng lại. Đó là khi những chồi non cựa mình thức giấc sau một mùa Đông dài tê tái lạnh, khi từng vạt hoa đào, mận bừng lên rực hồng, trắng muốt trên những triền đồi hay lối vào bản nhỏ, khi trai làng, gái bản xúng xính váy áo hẹn hò tình tứ.
Bản làng Lào Cai còn thu hút du khách bằng những lễ hội Xuân đậm đà bản sắc văn hóa. Với 25 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có phong tục, tập quán và lễ hội riêng biệt, khó trộn lẫn. Đồng bào dân tộc Tày, Giáy có Lễ hội Xuống đồng. Đồng bào dân tộc Mông có Lễ hội Gầu Tào. Đồng bào dân tộc Dao có Tết nhảy lửa, Lễ cấp sắc… Mỗi lễ hội phản ánh nét đẹp độc đáo về thế giới quan, nhân sinh quan của từng tộc người, nhưng đều có điểm chung là để cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người dân mạnh khỏe, no ấm.
Sa Pa mùa nào cũng đẹp, nhưng mùa Xuân luôn là mùa níu giữ du khách ghé thăm vùng đất Tây Bắc nhất. Lúc này, Sa Pa ngập trong màu nắng ngọt ngào cùng làn sương mỏng, bảng lảng sắc màu rạng rỡ. Hoa mọc khắp chốn, từ chân đồi, sườn đồi, lưng chừng dốc, thậm chí là len lỏi trong các khóm tre ngà, ngập tràn thung lũng với những sắc màu rực rỡ. Những rừng đào nhuộm hồng cả một vùng trời, sắc trắng tinh khôi của loài hoa mận, hay sắc đỏ kiêu ngạo của loài đỗ quyên báo hiệu Sa Pa chuẩn bị bước vào mùa lễ hội tưng bừng nhất trong năm.
Đến với Sa Pa dịp này, du khách có dịp trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân địa phương qua các Lễ hội Gàu Tào của dân tộc Mông; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Lễ hội Pút Tồng của dân tộc Dao đỏ; Lễ hội Quét Làng của dân tộc Xa Phó; Lễ hội Roóng Poọc của dân tộc Giáy...
Đặc biệt, "Lễ hội Khèn hoa - Ngày hội các dân tộc" và hội Xuân "Mở cổng trời Fansipan" đã được khai mạc tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend vào ngày 13/2 vừa qua đã thực sự để lại nhiều ấn tượng đặc sắc cho du khách. Với điểm nhấn "Ngày hội các dân tộc", chuỗi 5 lễ hội đặc sắc của các dân tộc Mông, Tày, Dao đỏ, Xa Phó và Giáy được tái hiện sinh động, nhận được sự yêu thích, hưởng ứng của đông đảo khách du lịch. Lễ hội thu hút nhiều du khách quốc tế quan tâm, tham gia các trò chơi như leo cột mỡ, bịt mắt bắt dê... Anh Xuwicha, du khách đến từ Thái Lan cho biết: "Lần đầu đến Sa Pa du Xuân, tôi và bạn bè được tham gia trải nghiệm, được sống cùng các lễ hội và nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn ở đây, mọi người đều rất thích thú".
Tại các bản làng của Lào Cai, lễ hội Xuân được tổ chức xuyên suốt dịp đầu năm mới. Ngay từ sáng mùng 3, mùng 4 Tết, huyện Bắc Hà và huyện Mường Khương đã tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm 2024 cho đồng bào Mông trên địa bàn. Trong tiếng Mông, "Gầu Tào" có nghĩa là vui chơi ngoài trời. Bởi thế, Lễ hội được hiểu nôm na là hội Xuân được tổ chức ngoài trời. Tại Lễ hội, người Mông thông qua nghi thức cúng cây nêu, dâng lên những vị thần linh trong đời sống văn hóa tâm linh của họ ước mong cầu con cái, cầu sức khỏe, cầu gặp mọi điều may mắn, mùa màng bội thu, người dân trong bản có được cuộc sống ấm no, sung túc và thịnh vượng.
Có mặt tại xã Pha Long, huyện Mường Khương từ ngày mùng 4 Tết để tham gia Lễ hội Gầu Tào, chị Phí Thùy Dung (Vĩnh Phúc) hồ hởi: "Thú vị nhất là sau phần nghi lễ long trọng, thành kính, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, trải nghiệm các gian trưng bày, món ăn truyền thống của người dân bản địa".
Có thể nói, Lào Cai đã thành công trong việc "thổi sức sống" vào các lễ hội, nghi lễ truyền thống, để chúng trở nên gần gũi, sống động, thoát ly khỏi cộng đồng một nhóm nhỏ dân tộc, quảng bá văn hóa rộng rãi đến các du khách trong và ngoài nước.
* "Thỏi nam châm" hút khách
Lào Cai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản được công nhận với gần 40 Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và một số Di sản đại diện nhân loại. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn truyền thống, gần một nửa trong số các di sản văn hóa đó thuộc về lễ hội Xuân hoặc nghi lễ trong lễ hội Xuân. Với phương châm "biến di sản thành tài sản", chính các nét đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Lào Cai là "thỏi nam châm" hút khách đến với địa phương.
Theo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, địa phương đã thu hút lượng lớn khách đến du Xuân, tham quan và nghỉ dưỡng. Trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), lượng du khách đến Lào Cai đạt khoảng 265.200 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Dịp này, tổng thu từ khách du lịch đến Lào Cai đạt khoảng 900 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 12,7% so với kế hoạch năm 2024. Đây là tín hiệu vui đầu Xuân mới cho ngành Du lịch tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch đón 8,5 triệu lượt khách năm 2024 với tổng doanh thu du lịch trên 27.000 tỷ đồng. Khách đến Lào Cai chủ yếu tập trung tại các địa bàn trọng điểm du lịch như: thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, các huyện Bắc Hà, Bảo, Bát Xát.
Riêng tại Sa Pa, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thị xã cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, du lịch Sa Pa tiếp tục bội thu khi số lượng du khách đến địa phương tăng mạnh. Địa phương đón 112.315 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 23.500 lượt so với cùng kỳ năm 2023; giúp doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 387,7 tỷ đồng, tăng 83 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Các hoạt động lễ hội truyền thống đã thực sự trở thành điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch đến với Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung đầu năm mới. Trong năm 2024, tiếp tục phát huy thế mạnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, sức mạnh mềm của văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách đến với địa phương, Khu Du lịch Sa Pa sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội 5 mùa.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân cho biết, ngoài Lễ hội mùa Xuân đang được tổ chức, năm 2024, Sa Pa sẽ tổ chức Lễ hội mùa Hè, Lễ hội mùa Tình yêu, Lễ hội mùa Thu và Lễ hội mùa Đông. Mỗi mùa lễ hội sẽ có những sản phẩm du lịch mới được ra mắt hứa hẹn đem lại cho du khách những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về văn hóa các dân tộc Sa Pa. Việc ra mắt sản phẩm du lịch Chợ tình Sa Pa, tổ chức Ngày Hội văn hóa các dân tộc trên danh thắng Núi Hàm Rồng, Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát... góp phần quảng bá hình ảnh Sa Pa và văn hóa các dân tộc nơi đây./.