Giáo dục

Hợp tác liên kết quốc tế - Chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục

Cần Thơ

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long mới có 5.671 trường Tiểu học, 1.691 trường Trung học, 17 trường Đại học. Hơn thế nữa, cơ sở vật chất của các đơn vị được đánh giá chỉ đáp ứng 40,8 - 52,3% tùy cấp học so với yêu cầu tối thiểu.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: (Ánh Tuyết - TTXVN)

TTXVN - Hợp tác liên kết quốc tế - Chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây thông điệp của Tọa đàm “Nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 30/3.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ… và đại diện gần 100 trường học các cấp trong cả nước.

* Thực trạng nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long mới có 5.671 trường Tiểu học, 1.691 trường Trung học, 17 trường Đại học. Những con số này còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Hơn thế nữa, cơ sở vật chất của các đơn vị được đánh giá chỉ đáp ứng 40,8 - 52,3% tùy cấp học so với yêu cầu tối thiểu. Đây là trở ngại lớn khiến chất lượng nguồn nhân lực của vùng chưa được đảm bảo.

Tiến sĩ Huỳnh Anh Huy, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, theo thống kê năm 2021, dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 17.500 nghìn người; trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chỉ chiếm 14,61% (thấp nhất cả nước, so với trung bình cả nước là 26,13 %; khu vực đồng bằng sông Hồng là 36,96%). Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ đạt 6,8%. Điều này cho thấy cần phải có những giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, thông qua giáo dục và đào tạo nghề.

Với vai trò là thành phố trung tâm, đầu tàu của ngành Giáo dục khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được đánh giá là địa phương có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn tồn tại nhiều lực cản khiến thành phố chưa thể phát triển xứng tầm. Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, ngành Giáo dục Cần Thơ nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán về số lượng, cơ cấu giáo viên, trang thiết bị dạy học, chương trình học.

Theo đó, giáo viên vừa thừa vừa thiếu, đặc biệt thiếu ở những môn như Tin học, Âm nhạc, các môn tích hợp. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là những phòng học chuyên dụng. Chương trình học vẫn chưa được thiết kế khoa học, nhất là những môn như Giáo dục địa phương vẫn còn mang tính hình thức…

Nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn đang bị các đơn vị tuyển dụng đánh giá không có nhiều kỹ năng thực tế, hầu như chỉ mạnh về lý thuyết. Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp phải tốn chi phí và thời gian đào tạo lại mới có thể sử dụng được nhân sự.

* Chuyên gia "hiến kế"

Theo Tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hội nhập quốc tế trong giáo dục là xu hướng và tính tất yếu khi bàn tới giải pháp nâng cao chất lượng. Một số hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục có thể kể đến như liên kết đào tạo với nước ngoài (nhiều mô hình liên kết đa dạng như công nhận học phần, chuyển đổi tín chỉ, trao đổi sinh viên…); nghiên cứu khoa học (cho phép các trường đại học chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm của mình với các trường đại học khác trên toàn thế giới); kiểm định quốc tế và xếp hạng quốc tế (một số tổ chức đánh giá kiểm định được quốc tế công nhận như: ABET, AQAS, AACSB...); tài trợ quốc tế, liên kết trong đầu tư giáo dục…

Các hình thức hội nhập ngày càng đa dạng, từ việc xây dựng, nhập khẩu chương trình đào tạo đến kiểm định chất lượng quốc tế; từ quá trình giảng dạy - học tập đến công tác đảm bảo chất lượng đều thể hiện tinh thần hội nhập tích cực. Các hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục tuy khác nhau về cách thức song đều mang lại nhiều giá trị to lớn, ý nghĩa đối với cơ sở đào tạo cũng như đối với người học.

Trước hết, điều này phù hợp với xu thế phát triển trong nước và khu vực quốc tế. Hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, là cơ hội để các cơ sở đào tạo hoàn thiện chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế, khẳng định vị thế của trường đại học nói riêng và vị thế của giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới nói chung. Hội nhập quốc tế trong giáo dục đồng thời cũng mang lại trải nghiệm học tập quốc tế tại Việt Nam với mức học phí phù hợp, mở ra cơ hội tham gia du học bậc cao hơn.

Tuy nhiên, để hội nhập quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực, các đơn vị đào tạo của Việt Nam cần xây dựng chương trình đào tạo cần đi đôi với kiểm định để đảm bảo chất lượng chương trình; chú trọng lựa chọn các cơ sở giáo dục, đối tác nước ngoài uy tín và chất lượng, phát triển các ngành mũi nhọn đặc thù, đúng chuyên môn. Chính quyền địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế trong giáo dục bằng cách ban hành chính sách hỗ trợ, phối hợp với các trường đại học để xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực vùng và địa phương.

Ông Timothy Ong (giữa), Trưởng Văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đồng quan điểm này, ông Timothy Ong, Trưởng Văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam; Phó Giáo sư Nguyễn Nguyên Minh, đại diện tổ chức CSIRO, Australia đều nhận định học viên Việt Nam được quốc tế đánh giá có tinh thần học tập năng động, sáng tạo, chăm chỉ, do đó, việc liên kết đào tạo quốc tế là vô cùng thuận lợi.

Tuy nhiên, các cấp, ngành, các viện, trường cần có những chính sách, định hướng hướng nghiệp, ngành liên kết đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội; song song với kiểm định chất lượng để khẳng định thương hiệu cơ sở đào tạo và kiểm tra thông tin đơn vị liên kết một cách kỹ lưỡng.

Về giải pháp đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cơ cấu, trình độ, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng nhấn mạnh cần có sự chung tay của sở giáo dục, các trường đại học đào tạo ngành sư phạm, đặc biệt là những môn mới đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Các viện, trường cần trang bị cho học viên là giáo viên tương lai khả năng tự học suốt đời, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng sự thay đổi về phương pháp giảng dạy trong thời kỳ mới.

Về sự điều phối, giảm tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các môn, các địa phương…, các đại biểu cho rằng, công tác tuyển dụng giáo viên phải đảm bảo được sự công bằng, khả thi. Cấp trung ương phải có cơ chế thu hút giáo viên về vùng sâu vùng xa, trên cơ sở đó, các địa phương có hành lang pháp lý để chủ động thực hiện.

Đối với vấn đề tái đào tạo nhân sự sau khi tuyển dụng của các doanh nghiệp, theo ông Timothy Ong cần tạo được sự liên kết các trường đại học với các nơi sử dụng lao động ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, các sinh viên mới có cơ hội thực tập và hoàn thiện kỹ năng nghề trước khi tốt nghiệp. Năm 2022, USAID đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hỗ trợ các trường đại học phát triển các chương trình học nhấn mạnh vào tính ứng dụng; tạo cơ hội cho người học được tương tác vơi những lý thuyết được học; xây dựng khả năng học tập và nghiên cứu suốt đời cho người học.

Ở góc nhìn của các sở, ngành nhà nước, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Bến Tre đề nghị các đơn vị đào tạo cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các sở, ngành để xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương; cần có nhiều hơn nữa các chương trình nghiên cứu sáng tạo cấp vùng nhằm thúc đẩy phong trào ứng dụng lý thuyết thành những sáng kiến thiết thực, giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, nâng cao năng suất công việc.

Trưởng Ban Tổ chức tọa đàm, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Giáo sư Hà Thanh Toàn cho biết, các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được tập hợp, báo cáo đến các đơn vị quản lý liên quan, đảm bảo những kiến nghị đó sẽ được nghiên cứu về thực hiện trong thời gian sớm nhất. Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm đưa giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bền vững theo hướng trang bị khả năng học tập chủ động, sáng tạo cho người học; gia tăng hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao vào thực tiễn cho các công trình nghiên cứu; bắt kịp đà phát triển của giáo dục quốc tế./.

Ánh Tuyết

Xem thêm