Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) được tài trợ bởi EU do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản được thực hiện từ ngày 18/8/2018 - 31/5/2024.
Sáng 31/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam".
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức của dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” từ khi triển khai thực hiện đến nay; xác định các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện dự án và chia sẻ, giới thiệu một số sản phẩm đầu ra nổi bật của dự án.
Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (hay còn gọi là Dự án EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh châu Âu với đóng góp tài chính từ một số cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)…) do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản được thực hiện từ ngày 18/8/2018 - 31/5/2024.
Dự án có hai hợp phần chính là PAGODA (hỗ trợ các cơ quan nhà nước Việt Nam) và JIFF (hỗ trợ các tổ chức xã hội) với sự tham gia thực hiện của nhiều cơ quan pháp luật, tư pháp ở Trung ương, địa phương và các tổ chức đủ điều kiện.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, trong những năm qua, trên cơ sở những định hướng của Đảng, hệ thống pháp luật và tư pháp của Việt Nam không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Có được các kết quả đó, bên cạnh yếu tố nội lực của Việt Nam mang tính quyết định, sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và các cơ quan của Liên hợp quốc cũng đóng một vai trò tích cực.
Theo Thứ trưởng, Dự án EUJULE được khởi động đàm phán từ đầu năm 2015 và sau khoảng thời gian 3 năm đàm phán, xây dựng, các bên đã thống nhất được Hiệp định Tài chính và Văn kiện Dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án EUJULE đã thu hút được gần như toàn bộ các cơ quan pháp luật và tư pháp ở Trung ương tham gia thực hiện dự án. Hầu hết các hoạt động được các cơ quan, tổ chức đề xuất và được Ban Chỉ đạo phê duyệt đã được thực hiện thành công, bám sát các mục tiêu, nguyên tắc và kết quả đầu ra của dự án.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, mục tiêu chính của Dự án EU JULE là tăng cường xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và đây cũng là giá trị cốt lõi, nền tảng của EU.
Đại sứ bày tỏ vui mừng trước những kết quả và thành công mà dự án này đem lại sau 6 năm hợp tác triển khai, đặc biệt là trong việc tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Trong thời gian tới, Đại sứ khẳng định EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quản trị, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác song phương.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, đối với Liên hợp quốc, Dự án EU JULE là một ví dụ thành công của quan hệ đối tác chặt chẽ giữa một quốc gia thành viên Liên hợp quốc với Liên minh châu Âu; các tổ chức quốc tế như Oxfam, những người thụ hưởng JIFF; và Hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Dự án cũng là một ví dụ mạnh mẽ về cách thúc đẩy thành công Mục tiêu phát triển bền vững số 16 (SDG 16) “Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ - Thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp”.
Theo bà Pauline Tamesis, những đóng góp của Dự án EU JULE được thể hiện trong hai thành phần: tăng cường thể chế và gắn kết cộng đồng. Dự án đã giúp nhận thức pháp luật được nâng cao trong nhóm dân số dễ bị tổn thương, yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... và có những hoàn thiện, cải tiến hơn đối với hệ thống trợ giúp pháp lý.
Cũng thông qua dự án, hệ thống tư pháp cho đối tượng là vị thành niên của Việt Nam đã được tăng cường, bao gồm việc thúc đẩy nhiều thủ tục tố tụng tư pháp thân thiện với trẻ em hơn và mở rộng phạm vi hoạt động của Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, dự án đã góp phần quan trọng vào tiền trình cải cách lập pháp, tư pháp, thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người của Việt Nam; nhấn mạnh Liên hợp quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam và Liên minh châu Âu để phát huy những kết quả tích cực của Dự án EU JULE, góp phần vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phục vụ nhân dân của Việt Nam và củng cố nhà vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là quốc gia hàng đầu trong thực hiện SDG 16..
Theo báo cáo tại Hội nghị, qua gần 6 năm thực hiện, Dự án EU JULE được quản lý vận hành chặt chẽ, có sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng giữa các đối tác quốc tế và Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, Hiệp định tài chính và Văn kiện Dự án. Dự án EU JULE đã triển khai trên 300 đầu hoạt động bám sát mục tiêu, nguyên tắc của dự án do các cơ quan, tổ chức Việt Nam đề xuất và Ban Chỉ đạo dự án phê duyệt.
Việc triển khai Dự án EU JULE không chỉ mang lại các hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam mà qua các hoạt động trong khuôn khổ dự án còn giúp các cơ quan Việt Nam có cơ hội để chuyển tải những quy định pháp luật Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng thời các đối tác quốc tế cũng hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật Việt Nam và những thành tựu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay./.