Thời sự

Hưng Yên – chi viện lớn cho chiến trường miền Nam

Hưng Yên

Trong thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh cần phải kể đến sự dốc sức chi viện kịp thời của hậu phương lớn miền Bắc, trong đó có những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên trong suốt chặng đường 21 năm từ 1954 đến 1975.

Ông Nguyễn Thế Chuyền (phải), Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận tỉnh ủy Hưng Yên, trao đổi với phóng viên TTXVN. 
Ảnh: Mạnh Trường-TTXVN

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn-Dinh Độc Lập cũng là thời điểm đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả tổng hợp của các nhân tố: Sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do; là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là thành quả của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hòa bình trên thế giới. Trong chiến thắng đó, một yếu tố quan trọng cần phải kể đến chính là sự dốc sức chi viện kịp thời của hậu phương lớn miền Bắc, trong đó có những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên trong suốt chặng đường 21 năm từ 1954 đến 1975.

Là người nhiều năm nghiên cứu lịch sử của tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Thế Chuyền, Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận tỉnh cho biết, sau khi thực dân Pháp rút khỏi tỉnh Hưng Yên, bên cạnh việc ổn định tình hình chính trị, công tác đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên khẩn trương cùng Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cụ thể, sau 10 năm xây dựng hậu phương (1955 - 1965), Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, nổi bật như: hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), kinh tế có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Từ chỗ “mười năm chín hạn”, “chiêm khê mùa úng”, thường xuyên mất mùa, Hưng Yên đã phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định. Tổng giá trị sản lượng trong sản xuất nông nghiệp tăng liên tục. Các ngành như: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp đều đạt kết quả tốt; giá trị hàng xuất khẩu  đạt 107%. Trong đó, lượng hàng xuất khẩu cấp I đạt 112%, hàng xuất khẩu cấp II đạt 101% 1. Kết quả đó là động lực để hậu phương Hưng Yên trở nên vững chắc, góp phần hoàn thành, vượt các chỉ tiêu đóng góp Nhà nước, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cũng theo Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận tỉnh Hưng Yên, với việc vừa chủ động đối phó địch, khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội, Hưng Yên vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Theo tiếng gọi chống Mỹ, thanh niên Hưng Yên có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1965, toàn tỉnh có gần 3.000 nam, nữ thanh niên gia nhập Ðội Thanh niên xung phong, số thanh niên lên đường nhập ngũ mỗi năm đều tăng. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống Mỹ” gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong lời kêu gọi ấy, có câu nói nổi tiếng bất hủ và đã trở thành chân lý của mọi thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thực hiện Lời kêu gọi chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lá đơn tình nguyện nhập ngũ và tái ngũ được viết bằng máu của chính người viết, thực sự là những “Huyết tâm thư”; những gương “Trai tòng quân thì gái cũng tòng quân”; một nhà làm đơn xin cho hai, ba cha con tái ngũ và nhập ngũ xuất hiện khắp nơi. Năm 1973, tỉnh đã hoàn thành hai đợt tuyển quân, chi viện cho chiến trường 12.268 người (chỉ tiêu là 11.400 người). Năm 1974, chỉ tiêu tuyển quân của tỉnh là 11.638 người, tỉnh giao vượt chỉ tiêu 147 người. Năm 1975, tỉnh giao 23.797 người, vượt chỉ tiêu 237 người.

Về chi viện nguồn vật lực cho chiến trường miền Nam, với khẩu hiệu hành động “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hằng năm, tỉnh đều hoàn thành đủ hoặc vượt chỉ tiêu giao nộp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Về nghĩa vụ lương thực: Năm 1960, toàn tỉnh đóng góp cho Nhà nước được 14.080 tấn; đến năm 1974, số lương thực được huy động đạt con số là 138.430 tấn. Hằng trăm tấn lương thực, thực phẩm đã được chuyển vào chiến trường, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm cách mạng của Ðảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh đối với đồng bào miền Nam.

Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: "50 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng bài học về phát huy sức mạnh hậu phương vẫn còn nguyên giá trị. Những đóng góp của hậu phương lớn miền Bắc nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng về sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975"./.

 

Nguyễn Mạnh Khánh

Xem thêm