Thời sự

Hưng Yên xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả

Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên đã và đang từng bước hiện đại hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý.

Trung tâm huyện Văn Giang - huyện có hạ tầng đô thị tăng trưởng nhanh của tỉnh Hưng Yên.
Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã và đang từng bước hiện đại hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý; đồng thời, công khai giám sát minh bạch về thời gian, kết quả xử lý, hướng tới xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả.

Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên Đỗ Cao Công cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và theo lộ trình số hóa tại Đề án 06; đồng thời giao Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính; định kỳ đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định.

Theo ông Đỗ Cao Công, hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã bảo đảm yêu cầu về an toàn thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và là 1 trong 13 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đáp ứng 100% yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo quy định; kết nối với Phần mềm dịch vụ công liên thông, hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.

Hệ thống hiện đang cung cấp 628 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.020 dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; tích hợp 1.362 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đạt trên 99,9% trước hạn; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao, đạt trên 92%, thuộc nhóm trong các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Đáng chú ý, kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ thông tin, trong đó Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đi vào hoạt động là mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên chia sẻ, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Điều hành thông minh phát huy hiệu quả và trở thành đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo tỉnh.

Đây được ví như "bộ não số" với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, đưa ra cái nhìn toàn cảnh về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh, chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo ông Trần Văn Thắng, Trung tâm Điều hành thông minh thực hiện ba chức năng là điều hành, giám sát và hỗ trợ chỉ đạo. Trung tâm giúp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai hoạt động điều hành, điều phối xử lý các công việc thuộc thẩm quyền quản lý; hỗ trợ bởi công nghệ thông minh để ghi nhận, nhận diện các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong hoạt động của đời sống.

Kết quả giám sát được chuyển đến cơ quan chuyên môn liên quan để nắm bắt thông tin hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Song song đó, Trung tâm còn hỗ trợ chỉ đạo đảm bảo các điều kiện, quy trình hỗ trợ cho lãnh đạo các cấp trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các vụ việc nóng, nhạy cảm, có tính tức thời, điều hành hoạt động các lực lượng xử lý tại hiện trường.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng Tổng đài 1022 và App 1022 từ Trung tâm Điều hành thông minh Hưng Yên đã tạo ra sự liên kết, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước một cách công khai, minh bạch và có sự giám sát cụ thể.

Do có nhu cầu tìm hiểu thông tin về chữ ký số công cộng, anh Nguyễn Văn Phú, trú tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang gửi nội dung tới ứng dụng 1022 Hưng Yên. Ngay sau đó, hệ thống điều hành Tổng đài trực tiếp ghi nhận và trả lời theo yêu cầu của công dân. Cùng lúc đó, Trung tâm Điều hành thông minh ngay lập tức thống kê thông tin về công dân gửi phản ánh kiến nghị. Anh Phú cho biết, nếu như trước đây, anh mất khá nhiều thời gian, đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để làm thủ tục, giờ chỉ cần ngồi nhà, cung cấp đúng thông tin là yêu cầu của anh được xử lý một cách nhanh chóng.

Với mục tiêu hướng tới xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Hưng Yên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp tục chỉ đạo, quán triệt công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp thực hiện nghiêm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID; tăng cường ứng dụng dữ liệu dân cư trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến và các tiện ích khác của Đề án 06.

Trong đó, trọng tâm là triển khai các dịch vụ công trực tuyến có hồ sơ phát sinh nhiều, tần suất người dân sử dụng cao; chú trọng tới việc cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trên đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm, giúp người dân có thể tự hiểu và tự thực hiện một cách thuận tiện.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao hoạt động hiệu quả với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng thành thạo các kỹ năng số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản VNeID, ứng dụng chữ ký số công cộng, nhất là ở vùng nông thôn, phấn đấu mỗi gia đình có 01 thành viên biết sử dụng các kỹ năng số thành thạo"../.

M.N

Xem thêm