Chính sách mới

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch). Cụ thể:

Tại Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 12/1/2025, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Theo Kế hoạch, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức lan tỏa, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, động lực của tỉnh: kinh tế biển, công nghiệp và đô thị trong đó chú trọng kết nối đô thị - công nghiệp tại vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang dọc sông Tiền tạo nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, bảo trợ xã hội, thu gom, xử lý nước thải, chất thải; phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; quốc phòng, an ninh; hạ tầng thủy lợi; cấp nước, thoát nước; phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 12/1/2025, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Một trong những nội dung Kế hoạch đề ra là tập trung, ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội (vùng ven biển phía Đông, vùng phía Bắc sông Hàm Luông và vùng phía Nam sông Hàm Luông) gắn với 05 hành lang kinh tế (03 hành lang kinh tế theo hướng Tây - Đông và 02 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam).

Trong đó, tập trung phát triển vùng ven biển phía Đông là vùng động lực của tỉnh (phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu) đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thủy lợi, cấp, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn của tỉnh.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh….

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp (ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại khu vực phía Bắc và phía Đông của tỉnh gắn kết với sự phát triển của vùng Bắc sông Hàm Luông và vùng ven biển phía Đông); phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, trang trại trồng trọt, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn với chế biến sâu; chế tạo ứng dụng công nghệ cao; năng lượng, nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống cảng biển, bến cảng, đường thủy nội địa.../.

Ngô Hải Ngọc

Xem thêm