Lễ hội tưởng niệm Ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành chống giặc Tống xâm lược.
TTXVN - Ngày 3/3, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tổ chức khai hội truyền thống đền Cao.
Quần thể khu di tích Đền Cao tọa lạc tại phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ ngàn xưa gắn liền với huyền sử, huyền thoại và chiến công oai hùng của 5 Đại tướng quân hiển Thánh họ Vương, có công phù giúp vua Lê Đại Hành chống giặc Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc thế kỷ thứ X - mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng quân xâm lược phong kiến phương Bắc.
Trong đó, đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại Vương - Vương Đức Minh; đền Bến Tràng thờ Dực Thánh Linh Ứng Đại vương - Vương Đức Xuân; đền Bến Cả thờ Anh Vũ Dũng Lược Đại vương - Vương Đức Hồng; đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức Thánh và hai người con gái là Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa - Vương Thị Đào, Liễu Hoa Linh ứng Công chúa - Vương Thị Liễu.
Theo Ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn mùa xuân, năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) ghi rằng: Vào thời Tiền Lê, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Nga Trung, Lộ Thanh Hóa có gia đình ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh, kết duyên nhiều năm mà chưa có con. Ông bà quyết định chu du thiên hạ, tìm nơi đất lành để làm ăn sinh sống, mong trời giáng phúc. Đến Dược Đậu trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, thấy chốn này dân cư, phong tục thuần hậu, đất đai trù phú, cây cỏ tốt tươi, nên ông bà quyết định ở lại lập nghiệp.
Một hôm, bà Thanh ra tắm ở Bến Cả trên dòng Nguyệt thì bất ngờ gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn phả mạnh vào thân thể, bất chợt Giao Long ngũ sắc xuất hiện, quấn chặt lấy thân bà 05 vòng, khiến bà vô cùng hoảng sợ. Một lát sau, gió mưa ngưng tạnh, trời quang tỏa sáng. Từ đó, bà mang thai, đến khi thai nghén đủ tuần, bà sinh ra một bọc, bung ra năm trứng, ba trứng màu vàng nở ra ba con trai, hai trứng màu xanh nở ra hai con gái vào giờ Mão, ngày 26/10 năm Đinh Mùi. Năm người con đều mắt phượng mày ngài, dung mạo trâm anh, khác hẳn người thường.
Tháng 7 năm Canh Thìn (980), giặc Tống kéo theo đường thủy sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đánh giặc, đến trang Dược Đậu đóng đồn trại thấy 05 người con họ Vương tướng mạo phi thường liền cho thử tài ứng thí rồi lập tức tuyển dụng. Vua phong chức cho ba người con trai là: "Quyền chưởng trung hoa tể Đại Tướng" và phong cho hai người con gái là: "Mẫu nghi chí tôn thiên hạ". Năm vị tướng vâng lệnh vua ban, cầm quân đánh giặc Tống theo đường bộ. Hai người con gái giả làm người bán trầu thuốc, thâm nhập đồn sở bọn giặc. Trước nhan sắc của hai bà, tướng giặc mê mẩn vứt bỏ quân cơ, đội ngũ, ngày chẳng có quân canh, đêm chẳng có lính gác. Ba người con trai dẫn quân tiến thẳng tới nơi, giáp chiến ác liệt, nhanh chóng giành thắng lợi vẻ vang.
Đại Cồ Việt hoan ca khúc khải hoàn, Vua mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ, triệu hồi năm vị tướng họ Vương về ban thưởng. Năm vị tướng họ Vương còn đang để tang cha mẹ, xin lui lại về sau. Vào đêm 23 tháng Giêng, năm vị tướng họ Vương đều thăng hóa, di hài được mối đất đắp thành những ngôi mộ lớn ở vị trí các ngôi Đền thờ tại quần thể khu di tích Đền Cao ngày nay.
Quần thể di tích đền Cao hiện còn bảo lưu nhiều yếu tố gốc, trong một không gian văn hóa tâm linh gắn với các câu chuyện, sự tích ly kỳ, được khôi phục, đưa vào dịp lễ hội hàng năm.
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các ngôi Đền thờ phụng năm Đức Thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc. 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp oai hùng, lẫm liệt của 5 Đức Thánh họ Vương
Đền Cao còn được bao bọc bởi 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi xung quanh làm tăng thêm vẻ uy nghi cho ngôi đền cổ linh thiêng.
Với những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, Quần thể di tích đền Cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2018.
Lễ hội bao gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, tế khai Xuân, lễ rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, lễ ban "Khước" Thánh, Lễ tưởng niệm Ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương, tế nghinh, lễ rước bộ…
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đậm bản sắc địa phương được tổ chức như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, giải vật truyền thống…/.