Văn hóa

Khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II năm 2023

Hà Giang

Liên hoan là cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sỹ là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

PGS, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc” của Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho các cá nhân của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

TTXVN - Ngày 10/11, Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II năm 2023.

Tại lễ khai mạc, Thiếu tướng, nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhấn mạnh, Liên hoan là cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sỹ là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, qua đó giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới, gương mặt trẻ, giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp.

Đây là dịp để các nhạc sỹ cả nước được đến Hà Giang - với những địa tầng núi đá, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều trầm tích huyền thoại gợi lên nhiều cảm xúc âm nhạc. Các nhạc sỹ, nghệ sỹ một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của khu vực…, từ đó chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và hướng tới sự phát triển âm nhạc mới từ truyền thống đi lên hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cho biết, là tỉnh vùng cao biên giới, Hà Giang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều thể hiện những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh chân thực đời sống văn hóa của dân tộc mình qua từng thời kỳ lịch sử. Giá trị văn hóa đó được thể hiện qua những công trình kiến trúc có một không hai, bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, tập quán sinh hoạt, sản xuất độc đáo như tri thức thổ canh hốc đá, ruộng bậc thang… các lễ hội dân gian mang dấu ấn riêng có như Lễ hội nhảy lửa, Lễ cúng thần rừng, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội phong lưu Khâu Vai…

Chương trình nghệ thuật đặc sắc của nam, nữ diễn viên Đoàn nghệ thuật Hà Giang biểu diễn chào mừng Liên hoan. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Những kiến tạo địa chất đặc biệt đã ban tặng cho Hà Giang một kỳ quan thiên nhiên vừa hùng vỹ, vừa thơ mộng như: Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với các danh thắng Cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, Cột cờ Lũng Cú…. Tất cả tạo nên một Hà Giang rất tình, rất thơ trong gian khó nhưng vẫn nở hoa, kết trái, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hà Giang vừa được tổ chức du lịch thế giới vinh danh là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý mong muốn, thông qua Liên hoan, các nhạc sỹ có thêm nhiều đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc mới, đáp ứng yêu cầu đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc Hà Giang nói chung và cả nước nói riêng.

Theo Ban Tổ chức, gần 60 tác phẩm tham gia Liên hoan tham gia tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Tổ quốc và biển đảo Việt Nam… Nhiều tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc dân gian các vùng miền, đặc biệt là âm nhạc dân gian các dân tộc trong khu vực.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Thể loại tác phẩm tham gia liên hoan gồm ca khúc, hòa tấu, độc tấu thính phòng của đại biểu đến từ 22 chi hội, đoàn Nhạc sỹ Việt Nam và nghệ sỹ đến từ Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Liên Chi hội Nhạc sỹ Quân đội, Chi hội khối các Nhà hát tại Hà Nội...

Chương trình tổng kết, trao giải diễn ra vào tối 11/11./.

Minh Tâm

Xem thêm