Các đại biểu thảo luận về tiềm năng, lợi thế, đề xuất giải pháp để thúc đẩy liên kết du lịch giữa Bắc Giang và các tỉnh.
TTXVN - Nhằm thúc đẩy kết nối du lịch Bắc Giang với các tỉnh, thành phố phía Bắc, chiều 9/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức Tọa đàm "Kết nối xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang với các tỉnh, thành phố".
Tại đây, các đại biểu thảo luận về tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển du lịch ở địa phương hiện nay; đề xuất giải pháp để thúc đẩy liên kết du lịch giữa Bắc Giang và các tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, tỉnh định hướng phát triển các không gian du lịch gồm sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao giải trí gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử của địa phương để phục vụ phát triển du lịch, nhu cầu trong tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội và các khu vực xung quanh. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương xung quanh, kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng như Hà Nội-Bắc Ninh-Bắc Giang-Lạng Sơn, Hà Nội-Bắc Giang-Quảng Ninh-Hà Nội, Hà Nội-Quảng Ninh-Bắc Giang-Hà Nội, Thái Nguyên-Bắc Giang-Quảng Ninh và Trung Quốc.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung các giải pháp quy hoạch: Khu du lịch rừng Sơn Động gắn với du lịch biển Hạ Long; khu du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; xây dựng khu du lịch cấp Quốc gia gồm khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động đến khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam và Chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng. Cùng với đó, tỉnh quy hoạch khu du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền, huyện Yên Dũng, thành phố Bắc Giang.
Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, Bắc Giang là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch khám phá. Tuy nhiên, sự liên kết giữa du lịch Bắc Giang với các tỉnh lân cận còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, chưa phát huy tác dụng để thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay du lịch ở Bắc Giang đang phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Các dịch vụ phục vụ du khách vẫn còn thiếu về điều kiện ăn, ở, dịch vụ còn hạn chế và chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng... Các công ty du lịch chưa mở tour thường xuyên đến các điểm du lịch kể trên, nếu có, sản phẩm chưa hoàn thiện và chất lượng dịch vụ chưa cao.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện nhu cầu du lịch tâm linh của người dân rất lớn, Bắc Giang và Lạng Sơn có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Bắc Giang có Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đều là những địa điểm du lịch rất đẹp, đã thu hút lượng lớn du khách. Nếu hai tỉnh phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành xây dựng các tour du lịch tâm linh từ Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều du khách.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để kết nối xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang với các tỉnh, thành phố như: Thu hút các nhà đầu tư vào Bắc Giang, xây dựng các điểm đến du lịch mang tính đặc trưng, khác biệt; đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh đang lưu giữ; tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh và đa dạng trong thiết kế các sản phẩm du lịch; xây dựng các chương trình du lịch liên kết khu vực khai thác các sản phẩm du lịch Bắc Giang...
Cùng với đó, khu vực các tỉnh Việt Bắc có một số sản phẩm du lịch khá tương đồng về văn hóa cũng như nghỉ dưỡng - sinh thái, có nhiều tài nguyên du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị cao. Việc phát triển liên kết điểm du lịch của Bắc Giang phải tính tới những điều kiện này và chú trọng vào định vị của tỉnh. Tuy sản phẩm du lịch của Bắc Giang chưa thể cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm du lịch của các địa phương khác nhưng sẽ là một sản phẩm thay thế quan trọng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Bên cạnh đó, để phát triển những sản phẩm du lịch liên kết vùng từ ý tưởng tới thực tế đòi hỏi những nỗ lực của các cơ quan quản lý về du lịch, tiên phong trong việc xúc tiến đầu tư của các khu vực nhà nước, tư nhân, quốc tế, tổ chức … trong việc phát triển sản phẩm du lịch./.