Nhiều đô thị có tiềm năng nổi trội, du lịch đã phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.
TTXVN - Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam – những vấn đề đặt ra” diễn ra sáng 2/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững tại đô thị ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nêu rõ: Du lịch đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cung cấp việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành khác ở nước ta. Giai đoạn qua, tốc độ đô thị hóa tăng khá nhanh, nếu như thập kỷ 90 có 500 đô thị thì năm 2022 là khoảng 900. Trong đó, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương với 2 đô thị đặc biệt.
Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Nhưng sự phát triển này cũng bộc lộ một số vấn đề, ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại các đô thị và sự bền vững của toàn ngành. Do đó, hội thảo này là cơ hội tốt để các đại biểu xác định trúng những vấn đề nổi cộm và đề xuất các đột phá về định hướng chiến lược để phát triển du lịch bền vững tại các đô thị của Việt Nam.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 20 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Các tham luận, ý kiến cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay. Đó là các yếu tố tác động đến “sự bền vững” của hoạt động du lịch tại các đô thị như công tác quy hoạch và quản lý đô thị; quản lý lưu lượng khách, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ di sản văn hoá trong phát triển du lịch.
Cùng với đó là giải pháp công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách “khuếch tán” để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng vùng du lịch vệ tinh... Hầu hết các ý kiến nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững tại các đô thị đòi hỏi phải quan tâm đến môi trường, văn hóa, xã hội, quản lý và quy hoạch hợp lý để đảm bảo du lịch mang lại lợi ích bền vững cho đô thị và cộng đồng địa phương.
Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chia sẻ: Các đô thị ở Việt Nam hiện nay đóng góp 70% GDP. Nhiều đô thị có lịch sử lâu đời, bản sắc văn hóa đặc trưng hoặc đô thị hiện đại có khả năng hấp dẫn khách du lịch. Đó là Hà Nội (Thăng Long - Kẻ Chợ) thành phố hơn 1.000 năm tuổi; Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn - Gia Định) hơn 300 năm tuổi, được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”; Hội An, đô thị thương cảng hơn 300 năm; Huế (Phú Xuân), kinh đô cổ thời Nguyễn; Đà Lạt, thành phố cao nguyên; Đà Nẵng có lịch sử phát triển lâu đời nhưng mang nhiều nét hiện đại, ấn tượng với công trình kiến trúc đặc biệt…
Du lịch tại các đô thị cũng phát triển mạnh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn là 2 thành phố đứng đầu. Nhiều đô thị có tiềm năng nổi trội, du lịch đã phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, du lịch tạo việc làm, tạo sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành khác phát triển như ở Sapa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Tuy nhiên, bên cạnh đóng góp tích cực, hoạt động phát triển du lịch cũng gây ra tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội và môi trường ở các đô thị. Các đô thị như Sapa, Hạ Long, Hội An… đã gia tăng lượng khách đến, đặc biệt vào mùa cao điểm, tạo áp lực đến hạ tầng đô thị, đặc biệt là xử lý chất thải trong khi năng lực thu gom, xử lý còn hạn chế. Khách đông cũng gây áp lực với hệ thống giao thông vốn đã quá tải do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Sự phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí đã dẫn đến xâm lấn không gian sống với người dân địa phương, quỹ đất thu hẹp, giá bất động sản tăng cao…
Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở đô thị cũng kèm theo sự gia tăng giá cả sinh hoạt, gia tăng các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến di sản văn hóa. Xu hướng mâu thuẫn phát sinh giữa việc gia tăng du khách với bảo tồn các giá trị vốn có và các phản ứng tiêu cực của du khách, cư dân địa phương ngày càng nhiều. Đây là thực trạng đã xảy không chỉ ở các đô thị của Việt Nam mà còn ở hầu hết các đô thị ở các nước châu Âu.../.