Dù kết quả đạt được rất lớn, nhưng việc xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến bộ lộ nhiều yếu kém, tự phát…
TTXVN - Hội thảo hợp tác tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch đã diễn ra sáng 31/10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp nền tảng du lịch Traveloka tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nêu rõ: Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh là những vấn đề được Chính phủ quan tâm. Đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công – tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương và quốc gia.
Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Vị thế du lịch nước ta ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long…, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò. Có thể kể đến thành phố bên sông Hàn nổi tiếng là "Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á" gắn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vào mỗi dịp hè. Thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019". Quảng Ninh, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với những dự án quy mô lớn, tạo dựng cho tỉnh trở thành điểm đến hiện đại và đẳng cấp…
Tuy vậy, ông Hà Văn Siêu cũng nêu rõ: Dù kết quả đạt được rất lớn, nhưng việc xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến bộc lộ nhiều yếu kém, tự phát,… trong quá trình du lịch Việt Nam vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đang tạo sức cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực.
Tại hội thảo, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Traveloka đã kí kết Biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ đối tác công-tư nhằm thúc tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch Việt Nam. Việc này đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch, quảng bá các điểm đến ở địa phương tới du khách trong nước, thị trường trọng điểm ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á và xa hơn nữa. Traveloka mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số, du lịch bền vững thông qua chia sẻ kiến thức, dự án hợp tác, trở thành đối tác tin cậy lâu dài của Việt Nam.
Ông Albert, đồng sáng lập Traveloka chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch và có cơ hội nổi bật như một quốc gia dẫn đầu về tiến bộ kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua cung cấp tính năng toàn diện trên nền tảng du lịch, Traveloka mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa các quy trình du lịch. Việc hợp tác giữa 2 bên sẽ phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng tại các điểm "nóng" du lịch của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của các đối tác và doanh nghiệp địa phương.
Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức công bố ấn phẩm quảng bá điểm đến du lịch Bình Thuận và Quảng Ninh do Traveloka hỗ trợ - một điển hình về quan hệ đối tác công tư trong quảng bá điểm đến du lịch.
Tháng 10/2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng của năm 2023, toàn ngành đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự hợp tác công tư là rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững và quản lý điểm đến. Điều này cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, nâng cao vị thế của Việt Nam như một điểm đến toàn cầu./.
- Từ khóa:
- Du lịch bền vững
- quản lý điểm đến
- đồng bộ