Du lịch

Khai thác du lịch hang, động tại Việt Nam theo nguyên tắc bền vững, an toàn và hiệu quả

Nhiều hệ thống hang, động tại Việt Nam không chỉ là kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Một phần không gian bên trong hang Sơn Đoòng.
Ảnh: Hoàng Trung - TTXVN

Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, trong đó các hệ thống hang, động chiếm một vị trí đặc biệt. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch hang, động tại các địa phương chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đây là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch hang, động tại Việt Nam”. Sự kiện do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/9.

Tại Việt Nam, có nhiều hệ thống hang, động thiên nhiên vô cùng giá trị. Nổi tiếng trong nước và thế giới với hệ thống hang, động dài, phức tạp và bao gồm những khối thạch nhũ và măng đá tuyệt đẹp. Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã được UNESCO công nhận là “Di sản thiên nhiên thế giới”. Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được phát hiện vào năm 2009 hiện đang là hang động lớn nhất thế giới. Với chiều sâu hơn 9 km, tại một số vị trí chiều cao trần hang lên đến 200m, rộng 160m, đủ lớn để xây dựng tòa nhà 40 tầng, Sơn Đoòng gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ bởi kích thước khổng lồ, mà trong hang còn sở hữu hệ sinh thái độc đáo, bao gồm cả rừng nguyên sinh và dòng sông ngầm. Hang Én (gần Sơn Đoòng) là hang động lớn thứ ba thế giới nổi bật với bãi cát trắng và dòng sông trong lòng hang…

Nhiều hệ thống hang, động tại Việt Nam không chỉ là kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa bởi từng là nơi sinh sống của người tiền sử hoặc liên quan đến các câu chuyện dân gian, truyền thuyết của địa phương.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Mai, Phó Trưởng phòng Thị trường, Sản phẩm và Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu.
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Mai, Phó Trưởng phòng Thị trường, Sản phẩm và Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, tại Việt Nam, du lịch hang, động gắn liền định hướng phát triển du lịch bền vững, cân bằng giữa ba trụ cột kinh tế - văn hoá và xã hội – môi trường. Tùy thuộc vào mục đích của khách du lịch cũng như những đặc điểm, tính chất và những giá trị mà con người muốn tìm hiểu, khám phá từ hang, động (gồm: Nghiên cứu cấu tạo địa chất, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích tâm linh…) mà hoạt động du lịch tại các hang, động được khai thác theo những hướng khác nhau.

Do vậy, du lịch hang, động có mối liên hệ với rất nhiều các loại hình du lịch khác như: Du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hoá-lịch sử, tâm linh, khảo cổ, mạo hiểm, địa chất…

Thạc sỹ Đoàn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) chia sẻ, theo khảo sát của nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài trong hơn 30 năm qua, Việt Nam chủ yếu là hang, động có nguồn gốc hình thành từ đá vôi (hang đá vôi, hang karst) và nguồn gốc từ hoạt động núi lửa (hang núi lửa). Trong đó hang đá vôi phân bố chủ yếu ở phía Bắc Việt Nam ở các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình. Ngoài ra, hang động còn phân bố rải rác ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Nghệ An, Kiên Giang. Hang động núi lửa chủ yếu tập trung ở khu vực Đắk Nông.

Dù sở hữu nhiều hệ thống hang động giá trị, nhưng theo ông Nguyễn Anh Đức (Giám đốc Kinh Doanh, Công ty Du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure), các hoạt động quảng bá cho loại hình du lịch hang, động vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát; chưa có sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường và rác thải khiến du lịch hang, động của Việt Nam chưa phát triển xứng tầm.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đây là loại hình du lịch mang tính nhạy cảm, dễ gây tác động tiêu cực đến các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên. Vì thế, việc khai thác các tiềm năng du lịch và phát triển du lịch hang, động phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định nhằm hướng tới mục tiêu khai thác bền vững, vận hành an toàn, chiều sâu trong hiệu quả và sức lan toả rộng rãi

Cụ thể, cần bảo tồn tự nhiên, đa dạng sinh học và môi trường hang, động; Đảm bảo lợi ích và sự phát triển bền vững của cộng đồng sinh sống tại địa phương; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử gắn với hang, động; Đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý, vận hành; Đảm bảo an toàn cho khách trong các hoạt động du lịch là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng

Để khai thác giá trị của hang, động, thúc đẩy du lịch, các địa phương, đơn vị dịch vụ du lịch cần chú trọng đào tạo và tập huấn cho nhân viên, hướng dẫn viên về các vấn đề liên quan đến an toàn trong hang, sơ cứu và hướng dẫn du khách về việc bảo vệ môi trường tự nhiên; Nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua sử dụng hệ thống các biển báo và nội dung chương trình, hoạt động mang tính giáo dục để nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng địa phương về việc bảo tồn và bảo vệ môi trường hang, động.

Đây là những điều kiện tiên quyết góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch hang, động, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cung cấp trải nghiệm an toàn và thú vị cho du khách. Việc tuân thủ các hướng dẫn sẽ giúp bảo vệ và phát huy giá trị của các hang động, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng địa phương./.

NNBích

Tin liên quan

Xem thêm