Khẳng định vai trò người có uy tín trong hệ thống chính trị cơ sở tại các tỉnh Tây Nguyên
Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị...
Ngày 9/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Chủ trì hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy , Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Châu Ngọc Tuấn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hiệu trưởng Trường Chỉnh trị tỉnh Gia Lai Ngô Khắc Ngọc cùng đại biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo Ủy ban Dân tộc, căn cứ vào các quyết định phê duyệt của các tỉnh, thành phố, giai đoạn năm 2011- 2021, bình quân các năm cả nước có khoảng 30.000 người có uy tín. Họ đã cùng với nhân dân có đóng góp lớn vào thành tựu chung của cả nước.
Tại Gia Lai, đến năm 2023 có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại 1.016 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 220 xã, phường, thị trấn của tỉnh (dân tộc Jrai 603 người, dân tộc Bahnar 304 người, dân tộc khác 48 người).
Nhiều năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Họ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác không nghe, không tin, không theo thông tin bịa đặt, kích động, lôi kéo gây mất đoàn kết nội bộ của các thế lực thù địch; tuyên truyền bà con vùng có đạo sống tốt đời, đẹp đạo, phụng sự Tổ quốc.
Người có uy tín là lực lượng nòng cốt tổ chức công tác vận động quần chúng tại cơ sở, trực tiếp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân với hơn 1.000 đợt, tại 139 làng, 122 xã, 17 huyện, có hơn 13.000 lượt người tham dự; vận động cá biệt cho gần 1.000 lượt quần chúng...
Người có uy tín đã tham gia tích cực trong vai trò giám sát và phản biện xã hội; tham gia đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo chính sách, các chương trình hành động của địa phương liên quan đến cuộc sống của người dân, góp phần hạn chế các sai phạm, bảo đảm lợi ích của nhân dân ở địa phương. Đặc biệt, trong những năm qua, người có uy tín đóng vai trò tiên phong trong bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở cơ sở; chủ động tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp nhận và tuyển chọn 55 tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Các tham luận đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận, thực tiễn về phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh ở tỉnh.
Đồng thời, các tham luận đã tập trung giải quyết vấn đề về chủ yếu như đặc điểm, tiêu chuẩn, yêu cầu và vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư; tầm quan trọng và các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của người có ty tín trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; nội dung, cơ chế, phương thức phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; giải pháp và định hướng chính sách nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.../.
- Từ khóa:
- người có uy tín
- phát huy
- vai trò
- Gia Lai