Thành phố Hải Phòng đang tập trung 3 lĩnh vực trọng điểm gồm: hạ tầng cảng biển, phát triển khu công nghiệp và chuyển đổi số, kinh tế xanh.
Với vị thế địa chính trị của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, cùng với tính cách năng động sáng tạo của con người, Hải Phòng đang khẳng định vai trò dẫn dắt trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế.
* Phát triển quan hệ ngoại giao nâng tầm vị thế kinh tế
Ngày 2/4, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Nhà Vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde tới thăm, làm việc tại thành phố Hải Phòng và quần đảo Cát Bà. Tại chương trình, Nhà Vua đã khẳng định, chuyến thăm lần này sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Vương quốc Bỉ với thành phố Hải Phòng và Việt Nam. Trên cương vị của mình, Nhà Vua tiếp tục có những chương trình để thúc đẩy hợp tác giữa các bên thời gian tới.
Tham gia đoàn tháp tùng Nhà Vua và Hoàng hậu, bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng khu vực Brussels và Truyền thông Chính phủ vùng Flanders, Vương quốc Bỉ bày tỏ vinh dự khi đến thăm Hải Phòng - một địa phương duy trì vị thế phát triển nhanh của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10% từ năm 2015 đến nay. Thành phố đã vươn mình trở thành trung tâm quan trọng về thương mại và logistics quốc tế.
Theo bà Cieltje Van Achter, nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý thuận lợi và sự hỗ trợ thiết yếu từ địa phương dành cho các doanh nghiệp, Hải Phòng sở hữu tiềm năng to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Minh chứng rõ nét cho điều này là Khu công nghiệp DEEP C- dự án đầu tư lớn nhất của vùng Flanders tại Việt Nam đã đầu tư tại Hải Phòng từ năm 1997. Flanders có bề dầy kinh nghiệm trong phát triển cảng biển. Antwerp - Burges là cảng lớn thứ hai ở châu Âu, với hơn 800 điểm đến thông qua hơn 300 tuyến vận tải biển, đảm bảo khả năng liên kết toàn cầu. Mỗi năm cảng Antwerp - Burges xử lý hơn 290 triệu tấn hàng hóa quốc tế, là nơi đặt cụm công nghiệp hóa chất tích hợp lớn nhất châu Âu. Chính vì vậy, lãnh đạo vùng Flanders thấu hiểu tầm quan trọng của cảng biển, huyết mạch không thể thiếu của nền kinh tế.
Cùng với hợp tác với Bỉ, Hải Phòng còn hợp tác với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã kết nối các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc…đến làm việc và đầu tư tại Hải Phòng, trong đó có các tập đoàn lớn trên thế giới như LG (Hàn Quốc), Kyocera, Bridgestone (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), VSIP (Singapore)..., đóng góp quan trọng vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, duy trì tốc độ phát triển kinh tế thành phố luôn ở mức trên 10% trong 10 năm liên tiếp.
* Thu hút đầu tư nước ngoài - mũi nhọn trong hợp tác quốc tế
Tại buổi tiếp Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ giữa các đối tác của Vương quốc Bỉ với thành phố Hải Phòng sang một chương phát triển mới, đồng thời thông tin tới đoàn các lợi thế nổi bật, xu hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng. Theo đó, thành phố đang tập trung 3 lĩnh vực trọng điểm gồm: hạ tầng cảng biển, phát triển khu công nghiệp và chuyển đổi số, kinh tế xanh.
Ông Nguyễn Văn Tùng giới ra thiệu tiềm năng, lợi thế nổi bật của thành phố như: Cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, kết nối liên tỉnh, liên vùng và thế giới với đủ 5 loại hình giao thông (đường biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy nội địa). Hải Phòng được xác định là có cảng biển hiện đại, lớn nhất của Việt Nam, trong đó, Cảng Lạch Huyện và Cảng Nam Đồ Sơn có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải khoảng 200.000 tấn. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đạt tiêu chuẩn 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới, có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất thế giới. Cơ sở hạ tầng dịch vụ, thương mại, du lịch của thành phố ngày càng được đầu tư mạnh mẽ.
Về dư địa thu hút đầu tư, ngoài Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 khu công nghiệp đang vận hành hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung để phát triển thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Đặc biệt, thành phố đã được Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, diện tích khoảng 20.000 ha. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, trong đó có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Tùng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Bỉ có tiềm lực đầu tư vào Hải Phòng và đẩy mạnh hoạt động hợp tác toàn diện, bền vững hơn nữa.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, trong quý I/2025, hoạt động đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, bám sát định hướng phát triển của Trung ương và thành phố, tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất, con người Hải Phòng đến bạn bè quốc tế. Thành phố đón tiếp 58 đoàn quốc tế; tổ chức, hướng dẫn, quản lý 13 đoàn đi trao đổi, học tập và làm việc; xúc tiến ký kết mới 3 thỏa thuận hợp tác hữu nghị và kinh tế trong khuôn khổ chuyến thăm của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)... cùng nhiều hoạt động đối ngoại nổi bật khác./.
- Từ khóa:
- Hải Phòng
- hội nhập quốc tế