Môi trường

Khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh, giảm bớt ô nhiễm nhựa

Ý tưởng sáng tạo, mô hình hay về tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh có vai trò quan trọng trong việc khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao giải Nhất cho đại diện nhóm Trường học xanh. (Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN) 

TTXVN - Sáng 13/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) trao giải cuộc thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa. Cuộc thi là hoạt động nằm trong Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm chủ dự án và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tài trợ.

Sau hơn 2 tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được hơn 50 sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc ở nhiều lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Ban Tổ chức đã lựa chọn 6 sáng kiến để trao một giải Nhất, hai giải Nhì và ba giải Ba. Giải Nhất thuộc về sáng kiến “Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” của nhóm Trường học xanh, Trường Trung học Cơ sở Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam nhấn mạnh, cuộc thi khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh để giảm bớt ô nhiễm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra tương lai bền vững; khuyến khích, vận động và tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến, hành động sẽ giúp giảm bớt ô nhiễm nhựa. Các ý tưởng sáng tạo và mô hình hay về tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa dùng một lần, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường. Qua đó đẩy mạnh tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp từ các địa phương, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn, tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường khoảng 0,42 triệu tấn/năm và chưa đánh giá được chính xác khối lượng chất thải nhựa thất thoát ra biển và đại dương. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên biển tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến rác thải nhựa và hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi…

Từ năm 2020 đến nay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam đã phối hợp hỗ trợ 9 địa phương xây dựng kế hoạch hành động giảm nhựa, truyền thông điệp cùng chung tay giảm nhựa, hiểu biết hơn về nhựa để mỗi người dân chủ động thay đổi hành vi và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030./.

Hoàng Vân

Xem thêm