Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350 - 1000kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ.
TTXVN - Ngày 9/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - thực trạng và giải pháp". Tham dự có các nhà khoa học, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Đi cùng với sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp xử lý phù hợp, để vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng được rác thải như một tài nguyên. Do đó, việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, từng bước thay thế công nghệ chôn lấp là rất cấp thiết, cần được nghiên cứu và triển khai thực hiện sớm.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350 - 1000kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ; khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý từ 500 tấn trở lên. Bộ cũng khuyến khích đẩy mạnh kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng. Các địa phương cần lựa chọn, ứng dụng công nghệ xử chất thải rắn sinh hoạt phù hợp để mang lại hiệu quả nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy.
Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn tỉnh chỉ có Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lò đốt rác nhưng đã ngưng hoạt động để tái cơ cấu từ tháng 10/2022. Do đó cần phải đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Nam nói chung về vấn đề quản lý chất thải rắn hướng, kinh tế tuần hoàn; đồng thời, tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hợp tác và liên kết với tỉnh Bến Tre, các tỉnh, thành phố phía Nam trong lĩnh vực môi trường. Các thông tin, kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn thông qua giải pháp về công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và phát triển bền vững được chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo diễn ra với 2 phiên chính, gồm: Thực trạng và chính sách xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp công nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt Việt Nam. Các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã đánh giá đầy đủ, sát hợp về thực trạng, chính sách, giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý xử lý chất thải rắn như: Thực trạng về chất thải rắn sinh hoạt tại Bến Tre và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khó khăn, vướng mắc và đề xuất; Kinh nghiệm từ Nhật Bản trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Nguồn vốn, đấu thầu lựa chọn công nghệ, dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật.../.