Môi trường

Nhanh chóng vận hành nhà máy đốt rác công nghệ cao, bảo vệ môi trường

Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh xác định, xây dựng nhà máy đốt rác phát năng lượng là hướng đi trọng tâm, đúng đắn trong giải quyết triệt để bài toán chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tồn đọng trên địa bàn từ trước đến nay.

Các đại biểu tham quan khu điều hành Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

TTXVN – Với quyết tâm xử lý triệt để tình trạng rác thải rắn, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp, thực hiện xã hội hóa trong xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện và dồn lực quyết tâm đưa các nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Bắc Ninh xác định, xây dựng nhà máy đốt rác phát năng lượng là hướng đi trọng tâm, đúng đắn trong giải quyết triệt để bài toán chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tồn đọng trên địa bàn từ trước đến nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải cho biết, Bắc Ninh được biết đến là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy mô sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất cả nước. Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp được triển khai, trong đó có 12 khu công nghiệp đi vào hoạt động, 1.900 doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký đầu tư. Tổng số có trên 300.000 lao động trong khu công nghiệp.

Mỗi ngày, Bắc Ninh phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp), số lượng này tăng khoảng 7-10%/năm khiến tỉnh phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong đó, thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn đều phát sinh trên 200 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du khoảng 150 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong khoảng 180 tấn/ngày đêm... Để xử lý tình trạng rác thải này, Bắc Ninh xây dựng, ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019 - 2025, trong đó xử lý toàn diện, tổng thể các vấn đề về môi trường nước thải, khí thải và rác thải.

Về vấn đề rác thải, tỉnh xác định giải pháp căn cơ, bài bản nhất là đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Phương chia sẻ, xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025. Khi các nhà máy đốt rác phát điện đồng thời đi vào vận hành sẽ xử lý khoảng 1.300 tấn rác/ngày, đêm. Trong đó, hai nhà máy đã vận hành, còn lại hai nhà máy đang gấp rút hoàn thiện công đoạn cuối, đi vào vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức trong năm 2024, sẽ cán đích mục tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tồn đọng trong toàn tỉnh, bảo đảm yếu tố môi trường bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Qua đó, khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về làm sạch môi trường song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực lò đốt rác. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Để các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng đi vào vận hành hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lượng chất thải phát sinh tại các địa phương trong tỉnh sẽ phân bổ đồng đều về khu xử lý công nghệ cao phát năng lượng của tỉnh; tạm thời ngừng cấp rác đối với khu xử lý bằng công nghệ thông thường và lò đốt rác công suất nhỏ; chỉ cung cấp khi các khu xử lý rác thông thường và lò đốt công suất nhỏ cải tiến công nghệ, bảo đảm hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Tỉnh Băc Ninh hiện có 4 nhà máy xử lý chất thải rắn phát năng lượng gồm: (1) Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) do Công ty Cổ phần môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư, công suất xử lý rác thải 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 11 MWh; khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cho thị xã Quế Võ, thành phố Bắc Ninh và một số địa phương khác. (2) Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành), công suất tối đa xử lý chất thải rắn 500 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 11 đến 13 MW (có thể vượt tải 10%). (3) Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện do Công ty Trách nhiệm hữu hạn môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư đã vận hành. (4) Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại huyện Lương Tài.

Các đại biểu nhấn nút vận hành nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 1/11/2023, sau nhiều năm triển khai xây dựng, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện (Nhà máy Điện rác Ngôi Sao Xanh) với công suất xử lý rác 800 tấn/ngày, công suất lò đốt 180 tấn/ngày (xử lý 100 tấn rác thải sinh hoạt và 80 tấn rác thải công nghiệp), công suất phát điện 6.1MW, theo công nghệ lò đốt rác tận thu nhiệt của Hàn Quốc chính thức vận hành tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ. Với tổng mức đầu tư nhà máy khoảng 45 triệu USD; trong đó, hạng mục lò đốt rác có vốn đầu tư 32 triệu USD do liên doanh hai công ty đến từ Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác, đây là nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Bắc Ninh chính thức vận hành, góp phần xử lý tận gốc vấn đề rác thải. Đến nay, nhà máy đưa vào vận hành chính thức, góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh có khả năng cung cấp cho địa phương khoảng 40 triệu KWh/năm.

UBND tỉnh Bắc Ninh chính thức cho phép Nhà máy đốt rác phát điện huyện Lương Tài tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ ba huyện Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài để thực hiện vận hành thử nghiệm. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn năng lượng mới EU - Conch Venture Bắc Ninh cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề an toàn cháy nổ, an toàn lao động, bảo đảm yếu tố môi trường bền vững. Đây được đánh giá là bước khởi động cho mục tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2024, theo đúng lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025.

Được khởi công từ tháng 7/2020, đến nay, nhà máy hoàn thành xong các hạng mục và bắt đầu tiếp nhận rác tại hai huyện Lương Tài và Yên Phong với khối lượng 200 tấn/ngày để vận hành thử nghiệm trong tháng 11. Khi chính thức hoạt động, nhà máy có công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MWh. Nhà máy đang tích cực thực hiện thủ tục xin chuyển sang vận hành thương mại theo yêu cầu của hợp đồng mua bán điện, dự kiến hoàn thành thủ tục liên quan, nghiệm thu quan trắc môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm vào tháng 2/2024./.

TTXVN

Xem thêm