Thực thi chính sách

Hà Nội đốc thúc triển khai các dự án xử lý rác và nước thải

Hà Nội

Hà Nội đang Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới năm 2030 tầm nhìn 2050, dự kiến phê duyệt cuối năm 2023. Các cơ quan chức năng đang tích hợp quy hoạch, công suất của các khu xử lý rác trên địa bàn.

TTXVN - Ngày 5/7, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội, các đại biểu HĐND đã chất vấn các cơ quan, sở ngành liên quan về tiến độ dự án các nhà máy rác.

Toàn thành phố Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải các loại. Trong đó, rác được xử lý tại Nhà máy Đốt rác phát điện Thiên Ý khoảng 3.000 tấn/ngày, còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn. Về lâu dài, thành phố đã quy hoạch một số nhà máy rác ở nhiều huyện ngoại thành. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến quá trình thu gom, xử lý rác thải của thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai) chất vấn liên quan đến việc chậm triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và hoạt động của dự án Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can, Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Bắc Từ Liêm) quan tâm tới các nhóm dự án chậm phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó có 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải chưa được phê duyệt. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguyên nhân vì sao chưa phê duyệt 8 dự án này và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn chính thức đi vào vận hành giai đoạn 1 với công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện đốt rác là 15 MW từ ngày 25/7/2022. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trả lời những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đang Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới năm 2030 tầm nhìn 2050. Các cơ quan của thành phố như: Viện Quy hoạch, Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên và Môi trường đang tích hợp quy hoạch, công suất của các khu xử lý rác trên. Dự kiến, UBND thành phố sẽ trình phê duyệt vào cuối năm 2023.

Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong sẽ xây dựng trên 10ha với công suất 450 tấn/ngày. Công ty Môi trường Xuân Mai là đơn vị chủ đầu tư dự án đã đề xuất triển khai giai đoạn 1 với 4 mô đun, công suất 450 tấn/ngày vào quý 3/2023. Công ty đề nghị nâng công suất lên 2.000 tấn/ngày vào các giai đoạn tiếp theo. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan xem xét đề xuất của đơn vị để sớm triển khai dự án - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Toàn cảnh hệ thống xử lý rác thải công nghiệp phát điện tại Sóc Sơn (Hà Nội). (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Đối với Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can, UBND thành phố đã có quyết định dừng hoạt động vào tháng 1/2023 theo cam kết. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất dự án, hình thức đầu tư, vốn, giải pháp công nghệ, địa điểm cho nhà máy điện rác, bảo đảm công suất ít nhất ở mức 1.000 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố, tránh tình trạng chôn lấp ở các khu vực lân cận. UBND thành phố kỳ vọng dự án sẽ được trình cuối năm nay để sớm được triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Đông thông tin, ngoài những dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, địa bàn thành phố có Nhà máy Điện rác Seraphin (địa bàn thị xã Sơn Tây) đang được xây dựng, dự kiến hoạt động vào đầu năm 2024 với công suất khoảng 2.000 tấn/ngày. Nhà máy sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác trên địa bàn thành phố.

Làm rõ hơn các vấn đề đại biểu nêu về vấn đề xử lý nước thải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, tính chất dự án và kế hoạch thoát nước có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến quá trình trình chủ trương đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện tại, Hà Nội có 8 dự án thoát nước, xử lý nước thải; trong đó có 5 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm A. Bốn trong số 5 dự án nhóm B đã được trình thẩm định, dự án Trạm bơm Gia Thượng cần chờ quận Long Biên điều chỉnh vị trí trạm bơm, sau đó sẽ trình ngay đề xuất chủ trương. Đối với 3 dự án nhóm A, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, Dự án thoát nước và cải thiện môi trường Long Biên - Gia Lâm là những dự án lớn, cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để bảo đảm báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần. Sau khi hoàn thiện, Sở Xây dựng sẽ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 9 để trình HĐND vào kỳ họp cuối năm.

Một bộ phận của hệ thống xử lý nước thải thông minh gia đình tại nguồn và làng nghề tại Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm; Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy rất quan tâm. UBND thành phố và các sở, ngành liên quan cần tập trung giải quyết theo mốc thời gian, bảo đảm không để chậm tiến độ.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố khẩn trương rà soát toàn bộ các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay. UBND thành phố đánh giá rõ chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện, từ đó tập trung chỉ đạo các giải pháp quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện; kịp thời xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ để có kết quả và sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội còn đặt câu hỏi chất vấn liên quan các vấn đề được cử tri quan tâm như cải tạo Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ; xây dựng trạm bơm Liêm Mạc; cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền cho các địa phương, quận, huyện thực hiện một số nội dung theo thẩm quyền.

Các nội dung này đã được đại diện UBND thành phố; các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính…trả lời trực tiếp tại hội trường. Chủ tọa Kỳ họp đánh giá, cơ bản các câu trả lời thẳng thắn, giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri quan tâm./.

Mạnh Khánh

Tin liên quan

Xem thêm