Môi trường

Phát triển các dự án điện đốt rác tại Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100%.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Hội thảo về công nghệ và tài chính cho các dự án điện đốt rác.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh bình quân mỗi ngày từ 10.000 - 10.500 tấn rác sinh hoạt, được tiếp nhận, xử lý tại các đơn vị cung ứng dịch vụ xử lý rác có hợp đồng ký với Thành phố tại hai khu liên hợp xử lý chất thải. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hiện còn khá cao, lên đến 69%. Đây là một trong những nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể trên địa bàn Thành phố do quá trình phân hủy của các thành phần hữu cơ trong rác tại các bãi chôn lấp.

Nhằm đảm bảo các vấn đề về môi trường, tận dụng nguồn năng lượng trong rác thải sinh hoạt và thực hiện Cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai Dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời, sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100%.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ông Lê Văn Tâm, Phó Giám đốc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, nước ta hiện nay có khoảng 20 dự án điện rác. Tuy nhiên, chỉ có 3 nhà máy đã được đưa vào vận hành. Khu vực phía Nam chỉ có thành phố Cần Thơ có khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thiêu đốt và chuyển rác thành năng lượng đặt tại huyện Thới Lai với công suất khoảng 400 tấn/ngày.

Thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án điện rác. Trong đó, Nhà máy Phát điện Gò Cát (quận Bình Tân) đã ngưng vận hành do hết khí hỗ trợ phân hủy sinh học tại bãi chôn lấp; dự án nhà máy đốt rác phát điện của các doanh nghiệp gồm: Công ty Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Tasco tại huyện Củ Chi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam tại huyện Bình Chánh đã khởi công từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng nhiều thủ tục pháp lý.

Theo ông Lê Văn Tâm, rào cản chính sách là nguyên nhân chủ yếu cho việc chậm triển khai các dự án điện rác tại Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Quy hoạch điện VIII hiện chưa được Chính phủ phê duyệt, trong khi quy định về ưu đãi cho các hoạt động tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu, chưa đồng bộ. Thủ tục đầu tư đốt rác phát điện tại Việt Nam phức tạp. Bên cạnh đó, thủ tục lấy ý kiến để đưa vào quy hoạch đấu nối điện lưới quốc gia của các dự án điện rác kéo dài, phải lấy ý kiến của 7 - 8 cơ quan và mất trung bình 4 tháng khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước”.

Ông Lê Văn Tâm cho biết thêm, việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các rào cản trong chính sách khiến các dự án nhà máy điện rác khó thu hút các nhà đầu tư do hiệu suất thấp, chỉ khoảng 20 - 25%, kém hơn nhiều so với đầu tư nhà máy nhiệt điện (từ 40 - 42%). Trong khi đó, chi phí đầu tư nhà máy điện rác rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, thường từ 10 - 20 năm.

Ông Lê Văn Tâm kiến nghị, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác, bao gồm những chính sách về quy hoạch, đầu tư, giá mua điện, tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý, phân loại chất thải rắn. Đồng thời, Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII và lập quy hoạch phát triển điện rác theo Quyết định 31/2014/QĐ-TTg.

Tiến sỹ Nguyễn Phúc Thanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hitachi Zosen Việt Nam tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu có ý kiến về những bất cập trong cơ chế hỗ trợ điện rác. Cụ thể như: Các cơ sở pháp lý hiện còn mang tính định hướng chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều nội dung còn chồng chéo và bị chi phối bởi nhiều luật, nghị định khác. Trong đó, Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam mặc dù đã ban hành các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng lại ràng buộc các dự án xử lý chất thái theo quy hoạch ngành điện, dẫn tới việc triển khai gặp khó khăn.

Ngoài ra, thông tư 32/2015/TT-BCT quy định, các dự án đốt rác phát điện được bán lại toàn bộ sản lượng điện cho ngành Điện nhưng giá mua điện tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện... chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ về giá mua điện. Đến nay, hành lang pháp lý chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác và chưa có bộ tiêu chí phục vụ thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý chất thải rắn.

Các đại biểu kiến nghị, cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành; hình thành các nguồn vốn vay hỗ trợ trực tiếp đầu tư cho diện rác. Đồng thời, xây dựng cơ chế tín chỉ carbon thay thế cơ chế phát triển sạch (CDM) với giá tốt; xây dựng quy trình kiểm kê, xác nhận hàng năm thuận lợi cho doanh nghiệp và có chính sác ưu đãi thuế, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực nhận thức của doanh nghiệp tham gia phát triển dự án đốt rác phát điện./.

Hồng Giang

Xem thêm