An sinh

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi duyên hải Nam Trung bộ

Phú Yên

Nhờ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên ngày càng khởi sắc.

Nhờ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên ngày càng khởi sắc. Người dân dần thay đổi tư duy canh tác, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và chăn nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

* Phát triển nông nghiệp bền vững

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên ở 3 huyện: Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân với 23 xã thuộc khu vực I, II và III. Đây là  nơi cư trú của 33 dân tộc anh em; trong đó có 32 dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm và Ba Na.

Người dân huyện miền núi Sông Hinh trồng cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) là xã đặc biệt khó khăn, có 632 hộ dân, trong đó có 184 hộ nghèo (chiếm gần 30%). Những năm qua, UBND xã triển khai các mô hình phát triển kinh tế như trồng sắn, mía, nuôi bò… để người dân từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Sô Minh Tý (dân tộc Chăm, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) cho biết, gia đình ông trước đây là hộ nghèo. Địa phương đã hỗ trợ ông xây dựng nhà ở và hướng dẫn kỹ thuật trồng mía, trồng sắn trên diện tích 2 ha nên kinh tế dần gia đình phát triển. Hiện cây mía được một doanh nghiệp cam kết thu mua ổn định. Mới đây, ông được Công ty Điện lực Phú Yên hỗ trợ một con bê giống trị giá gần 15 triệu đồng để chăn nuôi. Ông tận dụng diện tích đất trong vườn nhà để trồng cỏ nuôi bò.

Ông La O Dược, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Hiện nay, người dân ở xã trồng khoảng 300ha cây sắn và 700ha mía, chăn nuôi chủ yếu là bò thịt. Người dân yên tâm sản xuất vì xã phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, xã sẽ tận dụng nhiều nguồn vốn để xây dựng một số mô hình hiệu quả, đặc biệt là tăng số lượng đàn bò.

Những năm gần đây, người dân tại huyện Sông Hinh trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như mía, sắn, cao su, sầu riêng…; trong đó, diện tích cây mía khoảng 6.700 ha, chiếm 25% tổng diện tích cây hằng năm của huyện. Mía được xem là cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo bền vững, tạo việc làm ổn định. Địa phương tích cực liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Hving Y Đem (dân tộc Ê Đê, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) cho biết, gia đình ông trồng bình quân mỗi năm khoảng 3ha mía. Sản lượng đạt 70-80 tấn/ha. Với giá thu mua của nhà máy đường 1,3 triệu đồng/tấn, ông thu lãi từ 50-70 triệu đồng/ha/năm. Ông đang mở rộng diện tích và nghiên cứu các phương thức trồng mới để tăng năng suất.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết: Huyện cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật để hướng dẫn cho người dân trồng trọt hiệu quả. Địa phương cũng liên kết với Nhà máy đường KCP Việt Nam để bao tiêu sản phẩm cây mía, tham gia liên kết chuỗi giá trị để xuất khẩu sầu riêng…

Trong 5 năm (từ 2019 - 2024), diện tích các loại cây trồng chủ yếu của 3 huyện miền núi đều tăng khá. Trong đó, cây mía giữ ổn định 23.000ha/năm, cây sắn 26.000ha/năm. Đàn bò hiện có 54.800 con, chiếm 33,6% so với tổng đàn bò cả tỉnh. Đàn heo hơn 58.000 con, chiếm 38,22% so với tổng đàn heo cả tỉnh. Mô hình kinh tế trang trại tiếp tục nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hơn 70 trang trại.

* Huy động nguồn lực hỗ trợ sản xuất

Thời gian qua, các địa phương ở Phú Yên và ban, ngành liên quan đã huy động nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế. Nhiều đơn vị cũng giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo phương tiện sinh kế để vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU ngày 14/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, Công ty Điện lực Phú Yên đã hỗ trợ gần 30 con bò giống cho các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Công ty Điện lực Phú Yên hỗ trợ bò giống cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Trong 5 năm (từ 2019 - 2024), huyện Đồng Xuân đã huy động trên 300 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 4.000 lượt hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn trên 183 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống như đan lát; dệt thổ cẩm; lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm… để thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm mới cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện có 2/6 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã tận dụng nguồn lực từ các chương trình này để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn là gần 800 tỷ đồng. Đến nay, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có 6/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chiếm 13,39% so với tổng số hộ toàn vùng.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, cả nước. Đến năm 2029, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt từ 70 - 73 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%...

Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường và dịch vụ ở nông thôn. Các cơ quan chuyên môn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chăn nuôi được áp dụng quy trình tiên tiến, từng bước trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Tường Quân

Tin liên quan

Xem thêm