Xã hội

Không gian văn hóa chợ quê thời Mạc

Hải Phòng

Tại di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, có hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu, những sản vật nông nghiệp chất lượng, có thương hiệu, được đầu tư công phu, tỉ mỉ, tâm huyết từ các địa phương.

Họp báo thông tin về sự kiện Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

TTXVN - Chiều 14/7, Ban tổ chức sự kiện của Thành phố Hải Phòng cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục làm “sống lại” không gian chợ quê thông qua sự kiện chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023. Sau thành công của Hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần thứ II năm 2023 tổ chức hồi tháng 2/2023 đây được đánh giá là một sự kiện hứa hẹn thu hút nhiều du khách tham quan.

Theo Ban tổ chức sự kiện, trong 3 ngày (từ 29-31/7/2023), tại di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, có hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán phục vụ đa dạng đối tượng gồm những sản vật nông nghiệp chất lượng, có thương hiệu, được đầu tư công phu, tỉ mỉ, tâm huyết từ các địa phương và do con cháu họ Mạc, gốc Mạc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi đến tham gia. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống sẽ diễn ra tại khuôn viên Từ đường họ Mạc Cổ Trai...

Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật đặc sắc vào tối 29/7, được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng Truyền hình Hải Phòng, tiếp sóng trên một số Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, với hoạt cảnh chèo “Thái hậu Mạc triều mở chợ” do Đoàn Chèo Hải Phòng dày công xây dựng, hứa hẹn là chương trình hấp dẫn mở màn cho chuỗi ngày lễ hội, dự kiến thu hút hàng nghìn du khách về với mảnh đất Kiến Thụy.

Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Trưởng ban Tổ chức sự kiện, lịch sử dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S có thể nói là một hành trình dựng nước và giữ nước. Nhiều triều đại đã tạo nên các trang vàng trong pho sử về thành tích chống giặc ngoại xâm, vua quan đồng lòng, dân chúng no ấm. Trong đó, có triều đại tạo nên những dấu ấn rất riêng khi song hành với việc dựng nước, giữ nước và đã có những chính sách “phát triển kinh tế đất nước” mang tính cách mạng trong bối cảnh lịch sử cận đại thế kỷ thứ XVI. Đó chính là triều đại nhà Mạc.

Thời Mạc với những nhân vật nổi bật như Mạc Thái Tổ, Mạc Đăng Dung trí dũng hơn người, hay hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - bậc nữ lưu có tầm nhìn vượt thời đại, người đặt ra lễ hội Minh Thề không tham của công và đã từng nhiều lần kêu gọi xây chùa, mở chợ, khuyến khích giao thương buôn bán, phát triển kinh tế Đại Việt cả nội địa và quốc tế.

Theo các nguồn sử liệu và văn bia còn lưu giữ, ở thế kỷ thứ XVI, Mạc triều được ghi nhận là triều đại tuy chỉ có 65 năm đóng đô tại Thăng Long (1527-1592) nhưng đã thực thi nhiều chính sách cởi mở, cách tân, tiến bộ như trọng nông, khuyến công nhưng không ức thương, cải cách hạn điền, khai khẩn đất đai, đắp đê đào sông bảo vệ mùa màng. Bởi vậy nhiều năm sản xuất phát triển, được mùa liên tiếp, đời sống no đủ. Khi những sản vật làm ra dư thừa cũng là lúc nhu cầu trao đổi, mua bán tăng cao.

Thời Mạc, các chợ ven đô và chợ làng ngày càng phát triển, mở rộng, hoạt động khá nhộn nhịp. Thời điểm này cũng hình thành một số cảng thị như những trung tâm buôn bán, giao thương trong và ngoài nước. Trong 65 năm trị vì chính thống trên đất Thăng Long, nhà Mạc đã cho dựng nhiều chợ, quán và cảng thị: Năm 1530 mở chợ Cầu Nguyễn (Hưng Hà, Thái Bình); 1570 - chợ Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên); 1572 - chợ Cẩm Khê (bên chùa Minh Phúc ở Toàn Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng); 1579 - chợ Hậu Bồng (Hải Dương)…

Bia đá cổ chùa Minh Phúc ở thôn Minh Thị, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng còn ghi: Niên hiệu Sùng Khánh năm thứ 7 (1572), đời vua Mạc Mậu Hợp, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã bỏ 120 lạng bạc mua 5 mẫu đất làm ruộng Tam Bảo và dựng chợ Minh Phúc ở thôn Minh Thị. Với địa thế thuận lợi, trên bến dưới thuyền, chợ thôn Minh Thị nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa sầm uất thời bấy giờ./.

PV

Xem thêm