Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, những thành tựu văn học nghệ thuật trong hơn 35 năm qua chưa xứng đáng với sự nghiệp đổi mới đất nước.
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sỹ - trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, sau gần 75 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp đã tập hợp được hơn 4 vạn văn nghệ sỹ trong và ngoài nước. Đây là đội ngũ đã gắn bó máu thịt với Tổ quốc, nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tha thiết với văn hóa dân tộc, khát khao đổi mới để cống hiến có hiệu quả; là đội quân nòng cốt để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và toàn diện. Tuy nhiên, Chủ tịch Đỗ Hồng Quân thẳng thắn thừa nhận, những thành tựu văn học nghệ thuật trong hơn 35 năm qua chưa xứng đáng với sự nghiệp đổi mới đất nước. Chất lượng các tác phẩm chưa tương ứng với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo thành hiện tượng nghệ thuật, thu hút sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa, rung động lòng người. Tồn tại những sáng tác đơn giản, một chiều, bán sát thời sự nhưng chưa nhuần nhuyễn về mặt nghệ thuật, những sáng tác chạy theo thị hiếu nhất thời, nặng nề chức năng giải trí, mang tính tương mại, lặp lại mình hoặc lặp lại người khác, dấu ấn cá nhân mờ nhạt. Nhiều tác phẩm tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài một cách hình thức, xô bồ, xa lạ với tình cảm, thẩm mỹ và nhu cầu hưởng thụ của công chúng…
Nhằm làm rõ vai trò vị trí của văn nghệ sỹ trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân gợi ý một số nội dung như: Tăng cường tình đoàn kết trong giới, thảo luận, tranh luận về các xu hướng, phong cách sáng tác, những hiện tượng nổi cổm trong đời sống văn nghệ nước nhà; Phát hiện, bồi đắp, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ, tạo nền tảng cho sự nghiệp đại đoàn kết trong giới văn nghệ sỹ trong tương lai; Mở rộng đối tượng văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số, các tầng lớp xã hội như công nhân, nông dân sinh viên, văn nghệ sỹ ở nước ngoài; Nâng cao vai trò của đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật; Tăng cường công tác tư vấn, phản biện cho Đảng và Nhà nước, phản ánh tâm trạng xã hội, tâm tư nguyện vọng của nhân dân trước những bất cập, nổi cộm trong cuộc sống…
Ngoài việc chăm sóc, bồi dưỡng tài năng trẻ qua phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài, cần khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tác nhiều tác phẩm về chủ đề “Đại đoàn kết dân tộc”, về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nghệ sỹ Nhân dân, Họa sỹ - Nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nêu vấn đề bức xúc hiện nay, chất lượng đội ngũ văn nghệ sỹ, tri thức đông nhưng không mạnh, số lượng nhiều nhưng tài năng thực sự thì ít, cần thay đổi tư duy về việc bằng cấp, học hàm, học vị, xiết chặt thủ tục để giảm tiêu cực.
Đại đoàn kết dân tộc là một chính sách nhất quán của Đảng, Bác Hồ để tạo ra sức mạnh lớn lao của dân tộc. Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên khẳng định, nâng cao được vị thế, vai trò thực sự của văn nghệ sỹ, trí thức trong sự nghiệp cách mạng sẽ luôn quy tụ được tài năng trong và ngoài nước, tích lũy được “chất xám” của xã hội. Theo đó, văn nghệ sỹ tri thức chân chính nên là người luôn phân biệt được đúng – sai, phải – trái để dùng hình ảnh, chuyên môn, sáng tác của bản thân làm sức mạnh đấu tranh, tạo được hiệu quả hội tụ, lan tỏa toàn xã hội. “Hiệu ứng của đại đoàn kết sẽ là sức mạnh toàn dân “đề kháng” mạnh mẽ trước bất kỳ virus xấu nào xâm nhập vào đất nước”, Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên nói.
Tham dự hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến để nâng cao vị thế, vai trò của văn nghệ sỹ trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trên quan điểm cá nhân và lĩnh vực chuyên môn. Thời nay, văn nghệ sỹ cần phải vừa đấu tranh, vừa xây dựng, vừa bài trừ những tư tưởng xấu – độc, vừa mở rộng nhân ái – đại đoàn kết dân tộc, vừa tạo ra hình ảnh một đất nước, một dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình.
Cũng trong sáng 14/11, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã thông báo kiện toàn và ra mắt Hội đồng Lý luận – phê bình văn học nghệ thuật nhiệm kỳ 2020-2025. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng./.
Ngọc Bích