Giáo dục

Kích hoạt tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên khoa học xã hội

Những lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, truyền thông, môi trường và dịch vụ cộng đồng có tiềm năng lớn để phát triển các dự án khởi nghiệp mang lại giá trị xã hội và kinh tế.

Nhiều giải pháp được đưa ra để kích hoạt tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên khoa học xã hội.
Ảnh: BTC

Ngày 8/1, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Thách thức sáng tạo xã hội trong bối cảnh hiện nay và cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên khoa học xã hội và nhân văn”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn, cùng các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, để cùng thảo luận, chia sẻ và đề xuất các giải pháp sáng tạo vào giải quyết các thách thức về xã hội, môi trường trong bối cảnh hiện nay bằng các giải pháp, dự án kinh doanh sáng tạo thông qua sự hỗ trợ từ các đối tác trong hệ sinh thái.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi các yếu tố như chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, xung đột văn hóa), sáng tạo xã hội trở thành một hướng đi quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.

Các vấn đề như bất bình đẳng, tác động tiêu cực của công nghệ đến đời sống và yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi những mô hình sáng tạo xã hội hiệu quả. Sự thiếu hụt về nguồn lực, kỹ năng và khả năng kết nối liên ngành cũng là rào cản cho việc phát triển các dự án có tính ứng dụng thực tiễn. Vì vậy, cần sự hợp tác tham gia không chỉ của các ngành kỹ thuật hay kinh tế mà còn cần sự đóng góp của các nhà khoa học xã hội và nhân văn - những người có khả năng thấu hiểu con người, văn hóa và cộng đồng.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan nhận định, sinh viên khoa học xã hội và nhân văn có nhiều lợi thế trong khởi nghiệp sáng tạo xã hội như: tư duy nhân văn và hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội; kỹ năng phân tích và nghiên cứu; kỹ năng giao tiếp và kết nối cộng đồng; hiểu biết về văn hóa và bản sắc địa phương; khả năng đồng cảm và tạo tác động xã hội; khả năng làm việc liên ngành…

Dẫu vậy, sinh viên ngành này vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về hạn chế về kỹ năng công nghệ cũng như thiếu nền tảng, định hướng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh xã hội, các nền tảng số và sự hỗ trợ từ các chính sách khởi nghiệp quốc gia đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên ngành xã hội và nhân văn khởi nghiệp. Những lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, truyền thông, môi trường và dịch vụ cộng đồng có tiềm năng lớn để phát triển các dự án khởi nghiệp mang lại giá trị xã hội và kinh tế.

Sự hỗ trợ từ các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp xây dựng nền tảng bền vững, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời nâng cao vị thế của sinh viên và nhà trường trên trường quốc tế./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm