Nếu niềm đam mê về cây cảnh là nền tảng thì nghệ thuật chính là ngọn lửa dẫn lối chàng trai trẻ Hoàng Công Toàn đến với thành công trên con đường khởi nghiệp bằng chậu cây đắp tay thủ công.
Nhắc đến “Toàn chậu Huế”, những người sành chơi cây cảnh không ai là không biết đến chàng thanh niên trẻ Hoàng Công Toàn (sinh năm 1992, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Đằng sau sự nổi tiếng đó, con đường khởi nghiệp của anh còn lan tỏa nhiều câu chuyện giàu tình nhân ái và lòng đam mê nghệ thuật.
* Nghệ thuật dẫn lối
Nếu niềm đam mê về cây cảnh là nền tảng thì nghệ thuật chính là ngọn lửa dẫn lối chàng trai trẻ Hoàng Công Toàn đến với thành công trên con đường khởi nghiệp bằng chậu cây đắp tay thủ công. Tiếp xúc từ nhỏ và có kinh nghiệm trong việc chăm cây, anh Toàn hiểu biết khá nhiều về cây cảnh. Cơ duyên học chuyên ngành nghệ thuật đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp làm chậu cây thủ công mang đậm đặc trưng xứ Huế.
Ngày nay, trang trí cây cảnh không đơn thuần là thú vui tao nhã mà còn là cách gia chủ thổi hồn, mang năng lượng vào không gian sống. Nhiều người bắt đầu đầu tư hơn cho những chậu cây từ chất liệu, kích thước, đến ý nghĩa các họa tiết và tính thẩm mỹ.
Theo anh Toàn, làm chậu cây cảnh đắp tay thủ công yêu cầu sự chính xác trong kích thước lòng chậu; kỹ thuật đắp chậu, nung nóng tạo nên độ bền khi cây lớn lên và bộ rễ phát triển. Tùy vào từng loại cây cảnh sẽ có dáng chậu khác nhau. Chậu không chỉ cần đẹp mà phải phù hợp nhu cầu, mục đích sử dụng, lẫn phong thủy của gia chủ.
Chàng thanh niên ví làm chậu cây đắp tay thủ công cũng như thiết kế thời trang, phải hiểu được thị hiếu của người chơi cây, luôn sáng tạo và đổi mới mẫu mã theo xu hướng. Giá trị chậu không nằm ở độ “khủng” về kích thước mà được quyết định bởi tính thẩm mỹ, độ tinh tế của nét đắp trên mặt chậu. Do đó, cứ hễ có cuộc giao lưu, triển lãm cây cảnh nào, anh Toàn cũng cố gắng tham gia để giao lưu, học hỏi. Chợ Tết hằng năm, anh đều đặn tham quan, tìm hiểu thị hiếu để gom góp ý tưởng sáng tạo cho những sản phẩm của mình.
Tham quan các xưởng sản xuất của anh Toàn, ai cũng phải trầm trồ trước những chậu cây "khủng" trang trí hoa văn cầu kỳ được từ xi măng, mảnh sành. Tất cả công đoạn làm chậu từ uốn sắt thành khung, đắp chậu, thiết kế hoa văn, đắp chi tiết đều được làm thủ công công phu. Các hoa văn độc đáo, mang đậm chất Việt được làm nổi trên mặt chậu với các chủ đề điển tích như Phu thê viên mãn, Tứ linh, Long vân khánh hội... Đến nay, cơ sở của anh đã phát triển khoảng 600 mẫu mã và vươn khắp các thị trường trong cả nước. Nhiều sản phẩm đạt được giải thưởng trong các cuộc triển lãm toàn quốc.
Đạt được thành công như hiện tại, thanh niên trẻ Hoàng Công Toàn đã gặp không ít khó khăn từ bước đầu khởi nghiệp. “Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng là một số vốn khá lớn đối với sinh viên nghèo như mình. Ở Huế, đây cũng là một ngành nghề mới, ít có thợ đủ tay nghề đáp ứng các yêu cầu làm chậu đắp tay; đặc biệt, thời gian thử nghiệm sản phẩm kéo dài 2-3 năm. Trong thời gian chờ đợi thử nghiệm, đã có không ít người cho rằng mình sẽ thất bại vì khó ai có thể bỏ ra số tiền hàng triệu đến chục triệu đồng để mua một chậu cây cảnh. Tuy buồn nhưng mình luôn tin tưởng vào con đường đã lựa chọn và hy vọng sản phẩm sẽ được đón nhận” - anh Toàn chia sẻ.
Các sản phẩm thương hiệu “Toàn chậu Huế” được nhiều nghệ nhân, nhà vườn tìm mua, đặt hằng ngày càng nhiều. Để đáp ứng lượng đơn hàng tăng lên từ khắp cả nước, quy mô sản xuất cơ sở vùng ven thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền của anh dần được mở rộng. Số lượng nhân công phát triển từ 6 thành viên ban đầu, nay đã có 26 lao động thường xuyên và 9 lao động thời vụ.
* Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Trước khi làm việc cùng anh Toàn, anh Lê Phước Long (sinh năm 1996) là một tài xế có công việc bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định. Đam mê nghệ thuật và có chút kinh nghiệm của một người thợ kép, anh Long “đầu quân” cho cơ sở chậu Huế đắp tay thủ công. Sau khoảng 2 năm học nghề, được anh Toàn chỉ dẫn tận tình, giờ đây anh Long là một thợ kép lành nghề, có thể tạo hình được nhiều mẫu mã, họa tiết.
“Với các anh em, anh Toàn là một người chủ rất biết quan tâm, lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Dưới sự chỉ dẫn và động viên của anh Toàn, tôi đã theo đuổi nghề được 4-5 năm qua. Công việc đã ổn định và thoải mái hơn với thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng” - anh Long chia sẻ.
Không riêng anh Long, bất cứ thanh niên nào, trong hay ngoài tỉnh muốn được học nghề đều được anh Toàn nhận vào cơ sở để đào tạo miễn phí. Đã có 4 lao động trẻ trưởng thành ra nghề và đang làm việc cho cơ sở của anh.
Anh Toàn tâm sự, có rất ít người trẻ chọn học nghề thợ kép vì tâm lý thích chọn nghề sạch sẽ, thêm vào đó thời gian học nghề khá dài, từ 3-5 năm. Vì thế, anh sẵn sàng nhận dạy miễn phí để có những thế hệ kế cận, tiếp tục giữ nghề. Nếu không ở lại làm việc tại cơ sở, họ có thể tham gia trùng tu di tích, chùa chiền, lăng tẩm.
Lớn lên từ vùng “rốn lũ” Thừa Thiên - Huế, anh Toàn là người hiểu rõ sự khó khăn những dân nơi đây, đặc biệt trong các mùa bão lũ. Đa phần lao động, thợ nề, thợ sắt hay thợ kép ở địa phương phải xa quê, "Bắc tiến" để mưu sinh. Khi cơ sở chậu Huế được hình thành, nhiều anh em địa phương không còn phải đi xa nữa và có được việc làm quanh năm. Những lao động lớn tuổi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cũng được ông chủ trẻ tạo điều kiện, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe để có thêm nguồn thu nhập.
Thành công đưa thương hiệu chậu Huế đắp tay thủ công vươn xa cả nước, anh Toàn trở thành đại diện thanh niên nông thôn duy nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ IX, năm 2024.
Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Hoài cho biết, anh Toàn là tấm gương điển hình trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh năm vừa qua. Câu chuyện khởi nghiệp của anh không chỉ thể hiện một ý tưởng kinh doanh đầy sáng tạo mà còn mang đến một thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống. Đây là con đường đầy táo bạo của thanh niên trẻ Hoàng Công Toàn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Giải thưởng Lương Định Của của anh là niềm tự hào cho tuổi trẻ tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khuyến khích các bạn trẻ xứ Huế mạnh dạn sáng tạo, khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương” - anh Nguyễn Thanh Hoài cho hay.
Nhờ công nghệ kỹ thuật hiện đại, việc sản xuất chậu cây theo dây chuyền đang trở nên đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, những chiếc chậu đắp tay thủ công mang thương hiệu “Toàn chậu Huế” vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được không ít người yêu cây cảnh, yêu nghệ thuật khắp cả nước đánh giá cao và tìm mua./.