Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh bắt đầu ghi nhận các ca bệnh sởi từ đầu tháng 4/2024, đến nay toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố xuất hiện các ca mắc bệnh sởi với tổng số 127 ca bệnh.
Chiều 15/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang Trần Thế Vinh cho biết, tình hình dịch sởi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, với khả năng lây lan nhanh và xuất hiện nhiều ổ dịch trong trường học, nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn tỉnh thời gian tới tương đối cao nên cần tiếp tục theo dõi diễn biến, không chủ quan.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh bắt đầu ghi nhận các ca bệnh sởi từ đầu tháng 4/2024, đến nay toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố xuất hiện các ca mắc bệnh sởi với tổng số 127 ca bệnh. Trong đó, thành phố Phú Quốc có số ca mắc nhiều nhất với 111 ca. Trong số 127 ca bệnh sởi không có ca bệnh nặng phải thở bằng máy và đến thời điểm hiện tại còn 4 ca điều trị ở Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi tỉnh Kiên Giang.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh, ngay khi phát hiện những ca sởi đầu tiên ở Phú Quốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế trực tiếp triển khai các biện pháp phòng, chống như: Rà soát đối tượng tiếp xúc gần, lên danh sách theo dõi hằng ngày; hướng dẫn cách phòng, chống lây nhiễm ở trường học; kiểm soát lây nhiễm ở hệ thống cộng đồng, nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông trong các trường học để kiểm soát lây nhiễm... Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đợt giám sát cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý dịch sởi ở Phú Quốc. Viện Dịch tễ Trung ương trực tiếp rà soát hỗ trợ các vấn đề đáp ứng sởi, điều tra tình hình tiêm vaccine.
Qua điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, khoảng 3 tháng nay trên địa bàn Phú Quốc có sự biến động dân số nên ảnh hưởng đến việc tiêm ngừa vaccine sởi. Thực tế có những trường hợp trong cùng một nhà nhưng trẻ thì tiêm đủ, trẻ lại không đủ vì sự di chuyển nơi ở và không có trong quản lý dân cư ở địa phương.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ, có khoảng 30% trong tổng số trẻ bệnh là không tiêm hoặc thiếu liều. Việc nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi là nguy cơ làm cho dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi phát triển.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận hơn 24.000 liều vaccine sởi, 23.000 liều vaccine MR (sởi - rubella). Trung tâm đã phân bổ cho các địa phương để thực hiện tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù, tiêm vét cho trẻ còn thiếu mũi.
Để phòng, chống bệnh sởi đạt hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng và trẻ từ 1 đến 10 tuổi để chuẩn bị tiêm bù, tiêm vét cho trẻ theo lịch tiêm chủng; chuẩn bị sẵn sàng chiến dịch tiêm bổ sung khi được phê duyệt chủ trương và cung ứng vaccine từ Trung ương, tạo miễn dịch cho trẻ tại cộng đồng. Các đơn vị y tế đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; trong đó chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và tầm quan trọng của tiêm vaccine đúng và đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đồng thời, thực hiện truy vết đối tượng tiếp xúc gần, cách ly tại nhà phù hợp với các trường hợp liên quan đến bệnh sởi để phòng tránh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
“Tiêm phòng vaccine là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống bệnh sởi. Vì vậy, tỉnh đang chuẩn bị đấu thầu 6.000 liều tiêm cho những trẻ ngoài lứa tuổi chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Trần Thế Vinh nhấn mạnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả đánh giá gần đây nhất về nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận, 7 địa phương có nguy cơ rất cao gồm: Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước và Kiên Giang./.
- Từ khóa:
- Kiên Giang
- kiểm soát
- không chủ quan
- bệnh sởi