Mùa mưa bão năm 2024, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát kế hoạch, phương án, chủ động nguồn lực triển khai hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ ngày 14/7 đến 16 giờ ngày 17/7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, kèm theo dông lốc đã làm đổ sập, hư hỏng 35 nhà dân trên địa bàn tỉnh.
Mưa lớn kèm theo dông lốc làm sập 11 nhà dân ở các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, An Minh và cháy một nhà do mưa lớn, dông gây chập điện trên địa bàn huyện Giồng Riêng. Mưa dông làm tốc mái 23 căn nhà tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, U Minh Thượng. Ước tính tổng thiệt hại là hơn 1,1 tỷ đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp các huyện tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa nhà tốc mái, bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân nhà bị đổ sập.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin cho các ngành, địa phương và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng tránh, ứng phó trong mùa mưa bão.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt, hạn hán, tại Kiên Giang đã xảy ra 441 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài hơn 11 km và làm nguy hại 42 căn nhà trên địa bàn các xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, ước tính thiệt hại về nhà ở hơn 5,5 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ, với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm một người bị thương, sập 21 căn nhà, tốc mái 60 căn trên địa bàn các huyện, thành phố, ước tính tổng thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng.
Mùa mưa bão năm 2024 được dự báo diễn biến phức tạp và khó lường, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát kế hoạch, phương án, chủ động nguồn lực triển khai hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, theo phương châm “4 tại chỗ” hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra./.
- Từ khóa:
- mưa lũ
- mưa lớn Kiên Giang
- ngập úng