Tỉnh tập trung bứt phá, tăng tốc các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10,02%, góp phần cùng cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung bứt phá, tăng tốc các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, tỉnh phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Tỉnh đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn quý và 6 tháng, đảm bảo yêu cầu toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, đồng thời, giao nhiệm vụ và phân công chủ trì, phối hợp cụ thể cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ để tăng trưởng kinh tế đạt 10,02%, cao hơn 2,52% so với Nghị quyết HĐND tỉnh; GRDP bình quân đầu người đạt 92,76 triệu đồng/người.
Theo đó, tỉnh tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt hơn 72.335 tỷ đồng, trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, phấn đấu sản lượng lúa trên 4,7 triệu tấn, với lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích gieo trồng; xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh; tăng cường quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản…
Tiếp đến, tỉnh tái cơ cấu ngành thủy sản phù hợp ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Ngành thủy sản cơ cấu lại đội tàu, giảm áp lực khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Tỉnh phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 830.300 tấn; trong đó, nuôi trồng 420.000 tấn, với nuôi cá biển đạt 30.000 tấn, nuôi tôm 155.000 tấn.
Với giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu đạt hơn 67.220 tỷ đồng, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh kịp thời xử lý các vướng mắc về đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để đảm bảo quỹ đất bố trí cho dự án thứ cấp triển khai đầu tư dự án, tập trung hoàn thành quy hoạch và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản ngay tại vùng nguyên liệu; phát triển công nghiệp năng lượng, đặc biệt là các dự án điện năng lượng mặt trời gắn với dự án nuôi tôm trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành…
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.
Đối với “ngành công nghiệp không khói”, tỉnh triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng thương hiệu riêng cho các khu, điểm du lịch. Đồng thời, hướng dẫn triển khai mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh đến các địa phương vùng du lịch trọng điểm, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo… Tỉnh phấn đấu tổng lượt du khách đến tham quan, du lịch 11,05 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế 1,2 triệu lượt; doanh thu du lịch 28.500 tỷ đồng.
Tỉnh tập trung hoàn thành nâng cấp, sữa chữa hệ thống đường Quốc lộ được ủy thác và hệ thống đường tỉnh trên địa bàn; nghiên cứu mở hướng phát triển vận tải biển sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia, trong đó, ưu tiên tuyến vận tải ven biển kết nối Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang) với Campuchia và Thái Lan để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam; khai thác đưa vào vận hành tốt hệ thống cảng và đường ven biển phục vụ phát triển du lịch.
Cùng đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng nhấn mạnh, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm hoàn thành đưa các dự án đã triển khai vào hoạt động trên địa bàn. Các ngành chức năng nhanh chóng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch thông qua việc tập trung cải thiện điểm số và thứ bậc chỉ số cải cách hành chính: PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI và PAPI của tỉnh. Công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp; khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp gắn với việc hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp qua mạng; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương rà soát, cập nhật danh mục thu hút dự án trên địa bàn, thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc không triển khai. Phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 55.000 tỷ đồng, tập trung thu hút đầu tư các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh thu hút vốn đầu tư tại khu công nghiệp Thạnh Lộc đạt 1.200 tỷ đồng và Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đạt 24.000 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, sở triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc về đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn để đảm bảo quỹ đất bố trí cho dự án thứ cấp triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời, rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư tại 2 cụm công nghiệp Hà Giang (Tp. Hà Tiên), Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) và tăng cường xúc tiến, thu hút nhà đầu tư cấp 1 như: Công ty Minh Phú, Cụm nhà máy Trung An… Tỉnh đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là trong khu vực chế biến, chế tạo; tiếp tục rà soát tình hình đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án có giá trị gia tăng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp toàn diện để phát huy động lực tăng trưởng trong năm 2025; phát huy sức mạnh toàn dân, huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhất là kinh tế biển và du lịch. Tỉnh tập trung đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh, triển khai nhanh các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ gắn với vùng nguyên liệu sản xuất chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện hình ảnh của tỉnh với nhà đầu tư trong nước và quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông, thủy sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh./.
- Từ khóa:
- Kiên Giang
- bứt phá
- kinh tế chủ lực