Kiên quyết hạ cấp, hạn chế phương tiện trên tuyến cao tốc không đảm bảo lưu thông an toàn
Tai nạn giao thông trên đường cao tốc xảy ra liên tục. Một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến ba yếu tố: con người, phương tiện, kết cấu hạ tầng.
TTXVN - Sáng 19/3, Cục Cảnh sát Giao thông và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc - Thực trạng và giải pháp".
Thông tin tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông” với mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông". Tuy nhiên, đến năm 2020, cả nước mới chỉ đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc với tốc độ xây dựng khoảng 80km/năm.
Để đáp ứng mục tiêu của Chiến lược, tốc độ xây dựng cần đẩy nhanh vào khoảng 380km/năm, gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước năm 2020 là nhiệm vụ rất khó khăn. Đến nay, 1.892km đã đưa vào khai thác; đang thi công 1.269km.
Hiện nay, ngoài tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,6km, các tuyến như Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Kim Thành), La Sơn - Túy Loan, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới... được thiết phân kỳ đầu tư với hai làn xe. Do nguồn lực còn hạn chế, các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn phân kỳ đầu, còn hạn chế một số thông số kỹ thuật (làn xe, làn dừng xe khẩn cấp, hệ thống giao thông thông minh...).
Đường cao tốc đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ có tổ chức giao thông hoàn chỉnh về tốc độ tối đa, tối thiểu, số làn xe, làn dừng khẩn cấp. Mức độ nâng cao có các trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh để giám sát, theo dõi, điều chỉnh trật tự an toàn giao thông. Các tuyến cao tốc đang phân kỳ đầu tư sẽ thiếu một số hạng mục đó.
Đơn cử, tuyến Cam Lộ - La Sơn chỉ có khoảng 20% trên tổng chiều dài được thiết kế 4 làn xe chia thành các đoạn. Hơn 80% tuyến đường mới kế hai làn xe và chia thành hai chiều cho xe chạy. Những tuyến này sẽ có những khó khăn trong phương án tổ chức giao thông hơn so với các tuyến đường cao tốc đầu tư hoàn chỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng. Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ 304.105 tỷ đồng (đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư). Phần lớn nguồn vốn này đều ưu tiên tập trung đầu tư các công trình đường bộ cao tốc. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư đối với kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng.
Việc đầu tư phân kỳ quy mô đường bộ cao tốc còn một số tồn tại, hạn chế như: phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang hai làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố khi chưa xử lý kịp thời. Tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80- 90km/h…
Đề cập về công tác tổ chức giao thông trên đường cao tốc, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát Giao thông cho hay, công tác này đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Tình hình tai nạn giao thông trên đường cao tốc xảy ra liên tục. Một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến ba yếu tố: con người, phương tiện, kết cấu hạ tầng.
Thực tế khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hiện 12 đoạn tuyến cao tốc đang được đưa vào khai thác, nhưng có đến 9 đoạn tuyến không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Thậm chí có những tuyến “không bằng tuyến quốc lộ”.
“Cao tốc chưa hoàn thành về kết cấu an toàn mà đặt ra việc khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc làm sao đảm bảo được an toàn”, Thượng tá Lê Quang Hòa đặt vấn đề.
Dẫn chứng được Thượng tá Lê Quang Hòa đưa ra là tuyến Cam Lộ - La Sơn làn khẩn cấp còn bé hơn tuyến La Sơn - Túy Loan, bất hợp lý từ công tác xây dựng, tổ chức giao thông.
Thượng tá Lê Quang Hòa cho rằng, vẫn phải đặt ra vấn đề phát triển đường cao tốc, nhưng phải đảm bảo lưu thông an toàn. Nếu không phải hạ cấp, hạn chế đi lại, hạn chế tốc độ. Chẳng hạn, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa hoàn thiện, phải chấp nhận khai thác hạn chế.
Thượng tá đề nghị lực lượng chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chuẩn về đường cao tốc; xây dựng lộ trình cụ thể để khắc phục các tồn tại trên các tuyến cao tốc. Nếu không thể khắc phục được ngay, cơ quan chức năng cần kiên quyết thực hiện việc hạ cấp, phân luồng hạn chế phương tiện. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống giám sát, tăng cường phối hợp trong khảo sát, khắc phục các điểm tồn tại trên những tuyến cao tốc; xử lý nghiêm những trường hợp chậm khắc phục các tồn tại trong việc tổ chức giao thông, là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trở lên.
Khẳng định vai trò quan trọng của mạng lưới đường bộ cao tốc đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc an toàn hơn rất nhiều các tuyến đường bộ khác, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng ví dụ, sau khi làm xong tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, tai nạn giao thông ở Ninh Bình giảm rất sâu. Tai nạn giao thông trên đường cao tốc xảy ra thời gian qua nguyên nhân chủ yếu là do kiến thức, kỹ năng, ý thức của người điều khiển phương tiện. Việc rà soát, điều chỉnh giao thông trên cao tốc phải được thực hiện thường xuyên./.
- Từ khóa:
- An toàn giao thông
- Tai nạn giao thông
- Cao tốc