Các kiều bào khẳng định luôn hướng về cội nguồn, mong muốn đóng góp sức cho sự phát triển quê hương,
TTXVN - Ngày 10/3, Hội nghị chuyên đề “Trí thức, kiều bào góp ý, hiến kế để xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân là kiều bào đang sinh sống, làm việc tại Thành phố dự Hội nghị. Tại Hội nghị, nhiều kiều bào đã có những ý kiến tâm huyết, "hiến kế' cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
*Thu hút nguồn lực kiều bào, giữ gìn “ chất xám”
Khẳng định kiều bào luôn hướng về cội nguồn, mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển quê hương, ông Nguyễn Như Khuê (kiều bào Đức) nhấn mạnh, Thành phố mời gọi sự đóng góp của trí thức, kiều bào thì phải thể hiện được sự chân thành, tạo niềm tin bằng chính những điều nhỏ nhất đang diễn ra ở Thành phố.
“Ví dụ, vỉa hè tại Quận 2 mới làm đã hỏng hóc mà chúng ta chấp nhận điều đó như chấp nhận một chuẩn mực, đừng nghĩ gì đến công nghiệp 4.0. Trước khi bàn đến giấc mơ, phải giải quyết và giải quyết nhanh những vấn đề trước mặt như biển báo giao thông. Thành phố đáng sống, ngay từ những điều nhỏ phải được chuẩn hóa”, ông Nguyễn Như Khuê nói.
Theo ông Nguyễn Như Khuê, giới trí thức kiều bào có quan hệ, khả năng để đóng góp với Thành phố trong những lĩnh vực đang được quan tâm như giáo dục, dạy nghề, liên kết trao đổi công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay, tư bản hay lao động giá rẻ không còn quá quan trọng mà là Networking (mạng lưới quan hệ), mà điều này nhiều kiều bào đã có và Thành phố phải tận dụng lấy.
Cũng về vấn đề này, Tiến sỹ Dương Minh Trí (kiều bào Đức) nhìn nhận, thực tế những năm qua đã củng cố niềm tin, sự tin tưởng của kiều bào vào nỗ lực phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề đáng quan ngại đang diễn ra là Việt Nam đang bị “chảy máu chất xám”. Hầu hết sinh viên giỏi học ở nước ngoài đều ở lại làm việc cho các công ty nước ngoài. Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa thu hút được chuyên gia giỏi thực sự, trong khi số lượng này trong kiều bào rất đông.
Tiến sỹ Dương Minh Trí cho rằng, Thành phố cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn chảy máu chất xám, nhất là nguồn cán bộ, công nhân viên, sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài. Bên cạnh đó, kiều bào ở nước ngoài rất quan tâm, quan sát theo dõi mọi việc làm của Thành phố và tất cả những vấn đề không tích cực nếu có sẽ ảnh hưởng ngay đến sự thu hút nguồn lực kiều bào.
*Tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế
Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc (kiều bào Pháp) cho rằng, về phát triển tổng thể, Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển đô thị trung tâm sang phát triển đô thị đa trung tâm và từ đó chuyển đổi tư duy phát triển, chuyển tải vào phương án, quy hoạch và chương trình phát triển của Thành phố cho phù hợp với thực tế và xu thế chung của thế giới.
Chia sẻ về một vấn đề đang được quan tâm là xây dựng đô thị thông minh, theo vị Kiến trúc sư này, cần làm rõ và hiểu “đô thị thông minh” là ứng dụng phần mềm, công nghệ thông minh vào phục vụ và điều hành đô thị. Tương tự như máy tính có phần mềm, phần cứng thì đô thị thông minh cũng sẽ có phần cứng và phần mềm. Nếu coi phần mềm của đô thị thông minh là các ứng dụng công nghệ thông minh, phần cứng chính là không gian vật lý của đô thị phục vụ cuộc sống. Và để xây dựng được đô thị thông minh, việc đầu tiên là phải có quy hoạch không gian đô thị đảm bảo đáp ứng yêu cầu cuộc sống tốt của người dân.
Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc nêu một ví dụ là giải quyết vấn đề lề đường của đô thị. Lề đường, vỉa hè là một không gian giao thoa nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng… Không gian đô thị rất quý nên cần được nghiên cứu, sử dụng hợp lý, mang lại nguồn thu cho Thành phố. Người dân Thành phố có nhu cầu sống văn minh, muốn sử dụng lề đường một cách hợp pháp. Để giải quyết điều đó, cần có quy hoạch lề đường ngay từ cấp quận, huyện.
Có thể coi lề đường phục vụ ba đối tượng chủ yếu là cư dân thường trực, bán thường trực và vãng lai, mỗi đối tượng này có đặc điểm và nhu cầu khác nhau. Tùy mỗi khu vực, tùy đặc điểm đối tượng để xây dựng quy hoạch và phát triển không gian sử dụng lề đường cho phù hợp, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên không gian đô thị, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân một cách hợp pháp, văn minh. Giải quyết những vấn đề tương tự như vậy là rất cần thiết trước khi tiến hành triển khai xây dựng ứng dụng phần mềm công nghệ cho đô thị thông minh.
Cũng một góc nhìn về tiềm năng phát triển của Thành phố, Giáo sư Hà Tôn Vinh (kiều bào Hoa Kỳ) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam nói chung có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề là góc nhìn và triển khai để tận dụng tiềm năng đó cho sự phát triển. Khi xét về lĩnh vực du lịch, có thể nói Thành phố là trung tâm thu hút du khách quốc tế, trong đó có rất nhiều người có khả năng tài chính và nhu cầu tham gia các loại hình du lịch hạng sang. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sông, nhiều cảnh đẹp, có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch “du thuyền”.
Giáo sư Hà Tôn Vinh chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thái Lan về phát triển loại hình du lịch du thuyền để đưa sự giàu có của thế giới về Phuket. Ông cho rằng, không nên tư duy phát triển du lịch du thuyền là phải đắt tiền, chỉ dành cho những người siêu giàu, Thành phố Hồ Chí Minh cần tận dụng lợi thế dồi dào về sông, cảng biển của mình để phát triển ngành du lịch này, góp phần cho sự phát triển kinh tế của Thành phố.
Là một nhà khoa học có hơn 20 năm làm việc tại Thành phố, ông Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) nêu quan điểm, Thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề môi trường, xác định bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên phát triển. Vấn đề môi trường không chỉ là mối quan tâm của du khách, mà cũng là vấn đề đối với nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của họ khi đầu tư, làm việc tại Thành phố. Thành phố cần ưu tiên xử lý vấn đề nước thải trên các con sông, kênh, rạch; nước thải của các khu công nghiệp. Từ đó, nghiên cứu xây dựng chiến lược ngắn hạn về du lịch ven sông, tận dụng cảnh quan sông hồ của Thành phố để phát triển ngành du lịch và kinh tế chung của Thành phố./.