Tỉnh Cà Mau phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh.
TTXVN - Năm 2023, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); phát triển thị trường xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại..., theo hướng chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả. Đây là yêu cầu được nêu trong Kế hoạch Hội nhập quốc tế năm 2023 của UBND tỉnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, UBND tỉnh Cà Mau đề ra nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là cụ thể hóa và triển khai hiệu quả công tác hội nhập quốc tế nhằm mục đích tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Tỉnh phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Trong đó, tỉnh tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng, đa dạng thị trường, mặt hàng xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ từ nước ngoài... Cà Mau phấn đấu đạt chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 là 1,3 tỷ USD.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025; Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cà Mau tăng cường ký kết chương trình hợp tác, hữu nghị với các tỉnh, thành phố của các nước, vùng lãnh thổ phù hợp; tiếp tục hợp tác hiệu quả với từng đối tác đã có mối quan hệ hữu nghị với tỉnh với phương châm lấy hợp tác kinh tế làm trung tâm, phục vụ những lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Tỉnh cũng quan tâm kết nối và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan lãnh sự, ngoại giao của các nước và các cơ quan hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá, nâng cao vị thế của tỉnh, mở đường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do, thị trường các nước xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại…
Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tỉnh duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Khăm Muộn (Lào), tỉnh Koh Kong (Campuchia), tỉnh Trát (Thái Lan) trên tinh thần đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các địa phương của các nước, các tổ chức quốc tế, làm tốt công tác bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; chú trọng đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại…
Nhờ đó, hình ảnh Cà Mau được lan tỏa mạnh mẽ, vị thế của tỉnh không ngừng được nâng cao. Công tác hội nhập, đối ngoại còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh. Nổi bật, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,3 tỷ USD, vượt 13% so với kế hoạch; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 60,9 triệu đồng/năm./.