Xã hội

Kon Tum: Gồng mình canh lửa, giữ rừng

Kon Tum

Chỉ có 63 người (theo quy định là 112 người), lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang phải quản lý, bảo vệ gần 61.000 ha.


Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang quản lý gần 61.000 ha rừng, trong đó có khoảng 4.000 ha rừng sản xuất (bình quân mỗi cán bộ, công nhân viên nơi đây quản lý gần 1.000 ha rừng). Diện tích rộng, lực lượng mỏng, đặc biệt vào cao điểm mùa khô nên lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang gồng mình canh lửa, giữ rừng.

Lực lượng mỏng, diện tích rộng nên công tác phòng chống cháy và giữ rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray gặp nhiều khó khăn. 
Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

* Từ điểm “nóng”

Những ngày tháng 4, dù đã có mưa trái mùa nhưng thời tiết ở các cánh rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray vẫn nóng, oi bức. Hiện, nhiều diện tích rừng nơi đây đang ở cấp dự báo cháy rừng nguy hiểm. Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, năm nay là năm nhuận nên mùa khô dự kiến sẽ khốc liệt, kéo dài hơn. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã phải xác định các vùng trọng điểm để phòng, chống cháy rừng.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray hiện có khoảng 18.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, trong đó có 420 ha rừng trồng từ năm 2021 được chủ rừng xác định là “trọng điểm” cần bảo vệ. Đây là mối lo lớn nhất cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tại đây, lực lượng đã bố trí trực tại chỗ và được cấp phương tiện phòng, chống cháy nhưng chủ yếu là các dụng cụ thô sơ như dao, rựa, cào…

Chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Krei cho biết, diện tích rừng trồng 17 ha của trạm dọc trên tuyến đường từ huyện Sa Thầy vào xã Mô Rai nên rất dễ cháy nếu người đi đường vô ý vứt tàn thuốc. Thời tiết nắng nóng, oi bức, khô hanh cùng với việc chốt thiếu điện, nước nên anh em rất vất vả. Mọi người phải trực 24/24 giờ. Khu vực rừng trồng xen rẫy của dân nên dù đã tuyên truyền nhưng người dân vẫn tự ý đốt nương rẫy. Điều này dẫn đến việc cán bộ trạm rất khó quản lý.

Ngoài ra, với kinh nghiệm và thực tiễn, chủ rừng đã xác định khoảng 2.000 ha các trạng thái rừng lồ ô, tre nứa, có vật liệu cháy nhiều, dày (lá rụng) là khu vực có nguy cơ cháy cao (nằm trong rừng đặc dụng). Hiện, diện tích rừng đặc dụng này xen kẽ trong rừng già, không còn thuộc đối tượng giao khoán cho cộng đồng vùng đệm thuộc các xã vùng II, III bảo vệ. Vì vậy, công tác phòng, chống cháy rừng ở các điểm “nóng” trên chỉ còn lực lượng của chủ rừng bảo vệ. Đây là bài toán nan giải cho công tác phòng, chống cháy nơi đây.

Diện tích rừng trồng từ năm 2021 đến nay được xác định là trọng điểm trong công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2025. 
Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

* Đến vùng lõm “ba không”

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 14 trạm quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện có 6 trạm không có sóng điện thoại (nằm dọc đường biên, tuyến đường đi xã Mô Rai). Do đó, hoạt động liên lạc giữa những người làm công tác bảo vệ rừng nơi đây với lãnh đạo vườn và người dân gặp nhiều khó khăn.

Anh Phạm Ngọc Huấn, đội trưởng chuyên trách Quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, các trạm Ya Krei, Ya Mô, ngã ba 88, Bờ Y, Ya Tri và Ya Lân là vùng “3 không”. Đây là nơi không có sóng điện thoại, nước và điện. Phương tiện phòng cháy ở đây chủ yếu là dụng cụ thô sơ nên chưa đảm bảo nhu cầu phục vụ trong công tác quản lý, phòng, chống cháy rừng. Các phương tiện công nghệ để hỗ trợ công tác phòng, chống cháy nơi đây không hiệu quả bằng các vị trí thuận lợi. Ngoài ra, nơi đây địa hình dốc, gió mạnh nên khi có sự cố, mọi người phải chủ động tự xử lý. Vì vậy, vào mùa cao điểm phòng, chống cháy rừng, các anh em công tác tại đây gần như không về nhà và trực chiến 24/24 giờ. Mọi người chỉ được nghỉ bù khi rừng Chư Mô Ray qua cao điểm mùa khô.

Theo ông Đào Xuân Thủy Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đến thời điểm tháng 4, các cánh rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray vẫn an toàn trong công tác phòng, chống cháy. Đây là nỗ lực vượt khó của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Tuy nhiên để rừng nơi đây ổn định, chính quyền các cấp, các đồn Biên phòng cần chung tay, phối hợp kiểm tra, kiểm soát người ra vào; tổ chức tuyên truyền các quy định thời gian xử lý nương rẫy để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân...

Chỉ có 63 người (theo quy định là 112 người), lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang phải quản lý, bảo vệ gần 61.000 ha. Trong khi đó, theo lộ trình thời gian tới, chủ rừng phải giảm 10% nhân sự cùng với chế độ, chính sách chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt còn thiếu… Đây thực sự là bài toán khó cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây./.


Cao Nguyên

Tin liên quan

Xem thêm