Sức khỏe

Chuyển đổi số – "Liều thuốc" tất yếu cho y tế cơ sở

TP. Huế

Chuyển đổi số vừa là cơ hội vừa là yêu cầu cấp thiết để thành phố Huế xây dựng hệ thống y tế thông minh, bền vững.


Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế Trần Kiêm Hảo kiểm tra tình hình hoạt động kiot y tế thông minh tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu của mọi ngành nghề, đặc biệt là y tế – lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thời gian qua, thành phố Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công nghệ từ ki-ốt y tế thông minh; khám, tư vấn sức khỏe từ xa đến ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh; qua đó, không chỉ mang lại sự hài lòng mà còn nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân.

*Lợi ích kép từ chuyển đổi số

Phát huy hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa trong giai đoạn ảnh hưởng COVID-19, đến nay, phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” vẫn đang được các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Phú Vang duy trì hoạt động thường xuyên. Mỗi năm, có hàng trăm cuộc gọi đến và đi, trao đổi chuyên môn giữa các trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện. Trong các trường hợp cấp cứu, cần tư vấn, chỉ đạo mùa mưa bão, phần mềm phát huy rõ hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới và giảm tải cho tuyến trên.

Tổ tư vấn Trung tâm Y tế huyện Phú Vang hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho một trường hợp bệnh nhân tại xã Phú Diên. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Từ năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đã đưa vào sử dụng máy siêu âm ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, máy siêu âm Arietta 650 DeepInsight giúp khử nhiễu ảnh, cho kết quả hình ảnh rõ nét, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa khả năng sử dụng của các bác sĩ trong chăm sóc sức khỏe người dân. Qua đó, nhiều người bệnh được phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường về bệnh lý gan, ung thư… mà không cần chuyển viện để điều trị.

Mới đây, Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy kích hoạt ki-ốt y tế thông minh do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng tài trợ lắp đặt. Qua ghi nhận, phần lớn người bệnh ưu tiên lựa chọn và dễ dàng sử dụng thiết bị mới này. Thay vì phải cầm nhiều giấy tờ tùy thân, bảo hiểm, sổ khám bệnh như trước, người bệnh chỉ cần mang theo căn cước công dân là đã có thể đăng ký khám, tra cứu bệnh án, xem giá dịch vụ...

Ông Vũ Hữu Thuấn, người dân phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy chia sẻ, dù ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng chỉ sau vài phút làm quen, ông đã nhận thấy sự tiện lợi của thiết bị thông minh này: "Nhờ các nhân viên hướng dẫn, tôi đã biết cách sử dụng ki-ốt để đăng ký khám bệnh. Khi đã lưu thông tin rồi, lần sau đến khám thì không cần phải khai báo nhiều thông tin nữa, thủ tục sẽ rất nhanh, tiện lợi”.

Theo bác sĩ, chuyên khoa II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy, trong khoảng 30 giây thao tác trên máy, bệnh nhân đã có thẻ khám, chủ động tìm phòng khám thích hợp. Người dân cũng có thể thanh toán viện phí trực tuyến qua ki-ốt nhanh chóng, thuận tiện. Thời gian khám bệnh của bệnh nhân có thể rút ngắn còn khoảng 50% so với trước đây, trừ trường hợp có xét nghiệm, chụp phim. Ki-ốt y tế thông minh cũng trở thành “trợ thủ” đắc lực cho các nhân viên y tế khi giảm nhiều công việc hành chính, hướng dẫn cho bộ phận nhân viên.

Qua thời gian triển khai Đề án 06/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” cho thấy lợi ích kép mà y tế thông minh mang lại khi doanh nghiệp đồng hành, ngành Y tế nỗ lực và người dân hưởng ứng. Không chỉ giảm được thời gian chờ đợi và tăng được sự hài lòng của người dân, y tế thông minh đã giúp bác sĩ tập trung vào điều trị thay vì thủ tục. Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu, đẩy mạnh hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử góp phần tối ưu hóa hoạt động quản lý y tế của địa phương.

Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đã đưa vào sử dụng máy chụp X - quang ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

*Xây dựng hệ thống y tế thông minh, bền vững

Chị Phan Ngọc Khánh, trú thị xã Hương Thủy cho rằng, ngày càng có nhiều người tiếp xúc thiết bị thông minh, sử dụng internet. Do đó, việc tiếp cận các ứng dụng, thiết bị hiện đại, xu hướng y tế thông minh sẽ không làm khó người dân mà còn nâng tầm vị thế đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa toàn cầu.

Là nền móng, lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, thế nhưng, y tế cơ sở của thành phố Huế lại gặp không ít khó khăn để thu hút người bệnh. Sự hiện diện của bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn là một áp lực lớn khi không ít người dân có tâm lý muốn vượt tuyến dù chỉ bị sốt, ho, sổ mũi. Cứ như vậy, y tế tuyến trên quá tải, tuyến dưới thiếu việc.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng “liều thuốc” chuyển đổi số cùng đầu tư bài bản về cơ sở vật chất đồng bộ, y tế tuyến cơ sở của địa phương ngày càng được nâng cao vị thế, người dân tin tưởng. “Không cần phải đến các trung tâm y tế lớn, người dân nay đã có thể tiếp cận với các dịch vụ, thiết bị y tế hiện đại, chất lượng ngay tại cơ sở. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, số lượng người bệnh đến đơn vị ngày càng đông và năng suất làm việc của các nhân viên y tế tăng lên rõ rệt. Cao điểm một ngày, đơn vị tiếp đón, khám được cho gần 1.000 bệnh nhân cũng như giải quyết nhiều nhu cầu khám sức khỏe online cho người dân”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.

Huế là thành phố di sản, đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, đòi hỏi hệ thống y tế phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đột xuất. Mặt khác, số hóa hồ sơ bệnh án, kết nối dữ liệu sẽ giúp ngành Y tế địa phương dễ dàng theo dõi sức khỏe du khách và quản lý dịch bệnh tốt hơn. Vậy nên, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là "chìa khóa" then chốt, cấp thiết giúp địa phương giải quyết đồng thời hai thách thức này cũng như nâng tầm trải nghiệm đối với du khách.

Là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực y dược chất lượng cao, đầu mối y tế khu vực miền Trung với hàng loạt bệnh viện chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, thành phố Huế hoàn toàn có thể tạo bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số bằng nhiều giải pháp như xây dựng hệ thống y tế thông minh, đa ngôn ngữ, hệ sinh thái y tế - du lịch số, trạm y tế ảo tại các điểm du lịch…

Chuyển đổi số ngành Y tế là cuộc chạy đua không chỉ về công nghệ mà còn đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy đối với nhân lực, hạ tầng công nghệ và quy trình vận hành. Lực lượng y bác sĩ phải nâng cao năng lực số, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và linh hoạt tiếp cận công nghệ mới. Hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa cần được chú trọng trang cấp hạ tầng công nghệ, trang thiết bị hiện đại đáp ứng xu thế chuyển đổi số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết, trong thời gian đầu đưa vào sử dụng các ứng dụng, thiết bị y tế thông minh, các đơn vị sẽ bố trí nhân viên túc trực hỗ trợ người bệnh làm quen. Ngành xác định đồng bộ bốn trụ cột chính hướng đến chuyển đổi số y tế là thể chế pháp lý, hạ tầng, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực. Mục tiêu năm 2025 đặt ra là toàn dân được tiếp cận hồ sơ sức khỏe điện tử, chất lượng hồ sơ điện tử được hoàn thiện. Những đơn vị hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử nâng cao sẽ làm tiền đề để triển khai đồng bộ trên toàn thành phố thời gian tới.

Chuyển đổi số vừa là cơ hội vừa là yêu cầu cấp thiết để thành phố Huế xây dựng hệ thống y tế thông minh, bền vững. Nắm bắt được cơ hội, lợi ích sẽ không chỉ dừng lại ở người dân địa phương, mà Huế sẽ sớm trở thành đô thị di sản, y tế thông minh hàng đầu cả nước và là điểm đến an toàn cho du khách./.


Mai Trang

Xem thêm