Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh: Các bác sĩ “khoan cắt” mảng xơ vữa cứu sống nghệ sĩ nhân dân

TP. Hồ Chí Minh

Bệnh nhân suy hô hấp nặng, tím tái, tim rời rạc và rơi vào ngưng tim. Lập tức, ê kíp cấp cứu khởi động quy trình báo động đỏ, tiến hành đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực suốt 15 phút.

Các bác sĩ “khoan cắt” mảng xơ vữa cứu sống nghệ sĩ nhân dân

Chiều 9/4, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã sử dụng thành công kỹ thuật “khoan cắt” mảng xơ vữa để cứu sống Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn - bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, ngày 25/3, ông Nguyễn Thanh Liêm (Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn, 75 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) có dấu hiệu đau ngực, khó thở ngày càng tăng. Gia đình gọi cấp cứu qua Tổng đài 115 và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân suy hô hấp nặng, tím tái, tim rời rạc và rơi vào ngưng tim. Lập tức, ê kíp cấp cứu khởi động quy trình báo động đỏ, tiến hành đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực suốt 15 phút. Sau đó, người bệnh có nhịp tim trở lại, được chẩn đoán sơ bộ nhồi máu cơ tim độ 4. Lúc này, bệnh nhân suy đa cơ quan, tụt huyết áp, phù phổi cấp... Do lo ngại tổn thương não dẫn đến thiếu oxy não kéo dài nên bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, hàng loạt biện pháp hồi sức được thực hiện như sử dụng vận mạch liều cao, lọc máu, hạ thân nhiệt để bảo vệ não...

Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước tình huống nguy cấp trên, sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định thiết lập ECMO (tim phổi nhân tạo) ngay tại phòng thông tim, kết hợp với can thiệp mạch vành. “Mục tiêu cao nhất là đảm bảo huyết áp ổn định, thời gian tưới máu và oxy cho các tạng, kiểm soát nguy cơ rối loạn nhịp và ngừng tim tái diễn”, Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết.

Mặc dù vậy, do bệnh nhân có mảng vôi hóa mạch máu cứng như "đổ bể tông", các bác sĩ phải dùng đến kỹ thuật ROTA (khoan cắt mảng vôi hóa), để phá vỡ các mảng vôi hóa này. Đây là kỹ thuật được tiến hành nhằm tái cấu trúc (thông thoáng lòng mạch) và loại bỏ những mảng xơ vữa vôi hoá trong lòng mạch, giúp việc nong bóng mạch vành và đặt stent thuận lợi hơn. Nguyên lý của quá trình này tương tự kỹ thuật lấy cao răng của nha sĩ, đó là dùng một đầu mũi khoan với các kích cỡ khác nhau, có gắn các tinh thể kim cương nhân tạo nhỏ, khi quay với tốc độ rất cao (150.000 - 200.000 vòng/phút) để bào mòn các mảng xơ vữa, xơ hoá, canxi hoá thành những mảnh siêu nhỏ và trôi theo dòng tuần hoàn, trong khi vẫn bảo toàn lớp tế bào nội mô đàn hồi phía dưới.

Sau khi tái thông mạch vành thành công, bệnh nhân được đặt tổng cộng 3 stent mạch vành, duy trì ECMO, thở máy, lọc máu liên tục và kiểm soát nhiệt độ bảo vệ não tại Khoa Hồi sức tích cực. Hai tuần điều trị tích cực, đến nay Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn đã hồi phục sức khỏe và xuất viện. Trước khi ra về ông đã hát cải lương tặng đội ngũ y bác sĩ như một lời tri ân đến những người thầy thuốc đã đưa ông trở về từ cửa tử.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Phi Hùng, Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch cho biết, theo y văn, những trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp đã biến chứng ngưng tim có tỷ lệ tử vong rất cao (80-90%), hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhờ việc phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, từ xử trí nhồi máu cơ tim tốt tại Khoa Cấp cứu đến Hồi sức tích cực, Tim mạch can thiệp, Rối loạn nhịp…. đã cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch, không để lại di chứng./.

Đinh Thị Hằng

Tin liên quan

Xem thêm